Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

VÀ MÔN ĐỆ TRAO CHO DÂN CHÚNG

LỜI CHÚA: (Mt 14, 13-21)

Nghe tin ấy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn." Đức Giê-su bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Ở đây,  "chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá! Người bảo: "Đem lại đây cho Thầy! "Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.

SUY NIỆM

Điểm mà tôi được đánh động trong bài Tin Mừng hôm nay đó là "chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" nói lên khả năng và giới hạn của các tông đồ. nhưng các ông đã sẵn sàng trao lại cho Chúa tất cả nhũng gì mình có khi Chúa mời gọi các ông cộng tác. Và từ nơi Chúa các ông nhận lại và phân phát cho đám đông.

Các môn đệ phân phát bánh, nhưng không còn là bánh của mình nữa, nhưng là từ bàn tay của Chúa. Chúa không làm cho bánh rơi xuống từ trời ào ào, như xưa Đức Chúa cho Manna đổ xuống từ trời như mưa rào, nhưng Đức Giêsu làm cho những gì con người cộng tác vào dù rất nhỏ bé và giới hạn được sinh sôi nẩy nở đến vô hạn. Đó lạ dấu lạ cả thể, nhưng lại được thực hiện ngang qua một hành động rất đỗi bình thường "Đem lại đây cho Thầy!" nhưng ý nghĩa thật lớn lao.

Và kết qua là ai nấy được ăn và được ăn no nê, và dư với số lượng lớn : 12 thùng bánh đầy. « Dư Tràn » một cách nhưng không chính là dấu vết tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Bởi lẽ, để giải quyết cơn đói của dân chúng trong hoang địa, không cần bánh nhiều và ngon như thế ; tương tự như trường hợp phép lạ nước hóa thành rượu. Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ Ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.
Mỗi người chúng ta cũng hãy là tấm bánh được bẻ ra và trao cho mọi người cách quảng đại trong tinh thần phục vụ và yêu thương, khi chúng ta trao cho nhau nụ cười thật trìu mến; khi chúng ta trao cho nhau lời nói góp ý chân thành, cảm thông, tha thứ; khi chúng ta trao cho nhau cái bắt tay nồng nàn hay một sự giúp đỡ ân cần, vỗ về... Vì con người hôm nay đang đói về tình thương và đang khát về lòng tha thứ.
Tôi có là tấm bánh theo cung thức của Giêsu, chấp nhận bị nghiền nát và trao ban? !



LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa chính là nguồn sống và nguồn lương thực của con. Nơi bí tích Thánh Thể xin cho con biết tìm đến và lãnh nhận trong yêu mến và biết ơn. để từ nguồn sung mãn đó con dám dấn thấn và trao ban đến tận cùng. Amen.

M. Prudence, SPP


Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

GIOAN TẨY GIẢ VÀ HÊRÔĐÊ


LỜI CHÚA: Mt 14, 1-12
Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Ðó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ ông Philipphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với nhà vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một vài điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Ðức Giêsu.

SUY NIỆM:

 Tin Mừng hôm nay cho chúng ta gặp gỡ hai con người hoàn toàn đối lập nhau về tính cách và đời sống.
Trước hết, chúng ta cùng nhìn ngắm Gioan Tẩy Giả được mệnh danh người sống cho sự thật. Tin mừng viết lại cuộc sống của ông: Ông sống trong hoang địa, với một đời sống nhiệm nhặt, chay tịnh, “mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và uống mật ong rừng”. ( Mt 3,4).   
 Ông ý thức rằng: “ Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa và kêu goi mọi người sám hối”(Ga 1, 23) Cuộcđời của ông hướng về Đấng Cứu Thế. “ Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga1, 26-27). Cuộc đời của Gioan đã họa lại chân dung của người công chính, hành động và lời nói của ông là bức tranh của sự thật.  “Sự thật mất lòng” nên ông đã bị sự dữ kết liễu. Đấng là Đường là Sự Thật đã ân thưởng Thiên Đàng muôn đời cho ông. Vì ông đã đi trọn hành trình Vượt Qua mà chính Đấng Cứu Thế đã hoàn tất.
Thứ đến, Hê-rô-đê là một ông vua, có quyền thế, với sự dữ ông thẳng tay, nhưng với  sự thật ông lại nhu nhược ( Mt 14, 9-10) Ông dùng quyền để thỏa mãn đam mê (Mt 14, 3-4.6), bất chấp sự thật ông lao vào tội ác ( Mt 12,10)…

Qua bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ tôi cũng dễ dàng kết án Hê-rô-đê là ông vua độc ác, vô tâm... Nhưng, nếu tôi tĩnh tâm lại, sống thật với chính bản thân, có lẽ trong cuộc sống có khi tôi đã có những suy nghĩ, lời nói và hành động không khác Hê-rô-đê là bao. Vì thế, tôi cần phải chăm siêng đọc và suy gẫm và sống Lời Chúa để tự hỏi: Tôi là ai? Câu hỏi này cần được lập đi lập lại như là một lời chất vấn, nhắc nhở và mời gọi tôi biết sống, đấu tranh và làm chứng cho sự thật. Cho dẫu sự thật làm tôi đau khổ và có khi mất cả mạng sống.



LỜI NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là nguồn sự thật và sự sống của lòng con, Xin Chúa ban ơn để con biết sống cho sự thật. Vì sự thật sẽ giải thoát con. Amen

M. Prudence, SPP

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

MỘT ĐIỀU CẦN THIẾT MÀ THÔI




LỜI CHÚA:(Lc 10, 38-42)

Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà.
39 Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.40 Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "
41 Chúa đáp: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá!42 Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."

SUY NIỆM

Trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Mác-ta, chúng ta được gặp lại thánh nữ trong một hình ảnh rất quen thuộc. Tại làng Bêtania, ngay trong ngôi nhà thân yêu của chị em thánh nữ; Hình ảnh này tuy quen thuộc nhưng luôn thu hút, mang tính đời thường nhưng cũng rất mạnh mẽ như đang mời gọi và chất vấn chúng ta trong cõi thâm sâu của lòng mình.
Chúa Giêsu hiện diện trong mái ấm của họ. Đó là một niềm hãnh diện và tự hào. Chính vì thế, họ muốn bộc lộ khả năng của họ, muốn thể hiện căn tính của mình với Thầy trong khoảnh khắc quan trọng này.
Chúng ta thử chiêm ngắm hình ảnh hết sức gần gũi và thân tình giữa hai chị em và Thầy Giêsu, hình ảnh đầy ý nghĩa của hai người phụ nữ hiện diện chung quanh Đức Giêsu. Hình ảnh thật năng động của cô Mác-ta và hình ảnh thật tĩnh lặng của cô Maria.
Nhìn ngắm cách của Mác-ta đón Thầy Giêsu vào nhà mình với niềm vui, đầy lòng tin, quảng đại, hiếu khách, và đảm đang. Thực vậy, cô Mác-ta thật đảm đang : tay làm một lúc nhiều việc, nhưng con mắt lại chú ý đến những việc khác trong nhà, chú ý đến những người khác trong nhà.
Mác-ta để ý đến công việc của mình hơn là quan tâm đến việc Thầy đang hiện diện với mình. Nên Mác-ta đã trách Thầy: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! "
Tưởng kêu cầu như thế, Thầy sẽ hối thúc Maria giúp mình. không ngờ Thầy lại “ cắt tỉa” cách nhẹ nhàng nhưng hết sức hệ trọng: "Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi."
Và chính ở điểm này mà cô Mác-ta cần được Lời Đức Kitô biến đổi, chữa lành ở mức độ sâu xa nhất, để tìm lại niềm vui, bình an và hạnh phúc bền vững trong tâm hồn.
Với hình ảnh hai người phụ nữ trong Tin Mừng, giúp chúng ta tự vấn chính bản thân mình trong đời thường. Như Mác-ta có lúc chúng ta cũng đã trách Chúa, trách người khác không quan tâm đến mình, hay coi thường mình, nhưng thực sự chúng ta đang không quan tâm và yêu thương người khác đúng mức, đúng như họ là.
Là một kito hữu sống trong xã  hôi với nhiều lối sống phản Tin Mừng. Chúng ta hãy học cách phục vụ của Mác-ta và học cách cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa như Maria. Vì cầu nguyện và phục vụ là cách chúng ta sống kết hợp với Chúa và sống hài hòa với tha nhân


LỜI NGUYỆN

 Hôm nay, Giáo hội kính nhớ thánh nữ Mác-ta, Lời Chúa cho con thấy tâm điểm đời sống của người môn đệ của Chúa là cầu nguyện và phục vụ. Xin cho con ý thức rằng:  Phục vụ là nói với tha nhân về Chúa và cầu nguyện là nói với Chúa về tha nhân để đời sống con thực sự được tự do và biến đổi. Amen.


M. Prudence, SPP

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

CÁ TỐT CHO VÀO GIỎ


LỜI CHÚA: Mt 13, 47-53

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả mới lẫn cái cũ”.

SUY NIỆM:

Dụ ngôn “chiếc lưới thả xuống biển” diễn tả khía cạnh của Mầu nhiệm cánh chung, được xem như là dụ ngôn cuối cùng của một chuỗi dụ ngôn Chúa Giêsu đã giảng dạy cho dân chúng ngày xưa và cho chúng ta hôm nay. Dụ ngôn này cho chúng ta thấy rõ số phận của từng người trong ngày tận cùng “ cá tốt” hay “cá xấu” “ cho vào giỏ hay “vứt ra ngoài”.
Hình ảnh này gợi cho ta về việc mọi người, bất luận tốt xấu, đều được mời gọi tham dự bàn tiệc Nước Trời (Mt 22, 9-10). Trong Hội Thánh, cũng có sự pha trộn giữa người tốt, kẻ xấu,
sự phân loại sau cùng là điều tất yếu, là kết quả cuối cùng của một hành trình.Vì sẽ đến lúc ánh sáng, sự sống và sự thiện sẽ phải tách rời tuyệt đối khỏi bóng tối, sự chết và sự dữ ; đó là lúc chúng ta phải trở về với Chúa hay vào ngày tận thế, và thời điểm này có thể làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta hay tự xếp loại mình. Chúng ta hãy để cho Chúa « xếp loại » chúng ta : chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được sinh ra và được tái sinh làm con Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Vì thế, trong Ngài, không còn bị lên án nữa (x. Rm 8, 1) : chúng ta là « cá tốt » chứ không phải cá xấu, là chiên chứ không phải là dê (x. Mt 25, 31-46). Chúa mời gọi chúng ta nhận ra, ước ao và nỗ lực sống mỗi ngày căn tính của chúng ta, ngang qua sự mỏng dòn và những thăng trầm của cuộc sống.
Để trở nên là « người công chính » (c. 43) là “các tốt” vào thởi điểm tận cùng của cuộc sống và của thời gian, vào thởi điểm mà chỉ còn một mình Thiên Chúa mới có thể hành động mà thôi. Chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa và nỗ lực với tất cả lòng tin thác và yêu mến ngay trong giây phút hiện tại. Chúng ta không thể tự tạo cho mình đức công chính của Nước Trời khi chúng ta đánh mất tự do của con cái Thiên Chúa. Chúng ta sẽ “bị loại ra ngoài”.



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, con cảm tạ Chúa vì Chúa đã dùng rất nhiều dụ ngôn để cho con hiểu được Mầu Nhiệm Nước Trời, Mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Xin Chúa cho con biết tận dụng mọi cơ hội trong cuộc sống là lời mời gọi yêu thương của Chúa để giúp con  biết biến bản thân mình cũng là một dụ ngôn  hay dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Amen.

M. Prudence, SPP

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

PHÚC VÌ ĐƯỢC THẤY VÀ ĐƯỢC NGHE


LỜI CHÚA(Mt 13, 16-17)
"Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.
17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

SUY NIỆM:

Hôm nay, Giáo hội kính nhớ hai Thánh Anna và Gioakim , Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay rất ngắn, chỉ vọn vẹn hai câu nhưng mở ra cho ta một chân lý quan trọng. Đó là lắng nghe và thực hành Lời Chúa là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thật. Đức Giê-su nói: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” Lời này của Đức Giê-su được ứng nghiệm cho đôi mắt và đôi tai của “ông bà ngoại” của Người, nghĩa là của hai thánh Gioakim và Anna. Tuy nhiên, lời này của Đức Giê-su cũng liên quan đến đôi mắt và đôi tai của chúng ta.
Thật vậy, đôi mắt, đôi tai của chúng ta được dựng nên có “ơn gọi” không phải là nhìn thấy, để nghe những điều hữu hình, nhưng qua những điều hữu hình, nhận ra những thực tại vô hình. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhìn thấy, lắng nghe sự vật không chỉ như là sự vật, nhưng còn là những quà tặng, những ơn huệ, những dấu chỉ, nói lên sự hiện diện của ai đó, của tình thương, nói lên Đấng ban ơn, nói lên chính Đấng tạo dựng.
Trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn. Trong một tập thể người tốt, người xấu sống chung với nhau. Trong tâm hồn mỗi người cũng có hai thế lực giằng co, giữa cái tốt và cái xấu. Chính thánh Phao-lô có kinh nghiệm này rất rõ “tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa. (Gal, 5, 17-18)
Chính điều này Thánh Anna và Gioakim đã là một chứng nhân – là hạt giống tốt Thiên Chúa gieo vào ruộng lúa của Ngài để sinh những gié lúa trĩu hạt.
Đôi mắt, đôi tai của thánh Gioakim và thánh Anna, đôi mắt, đôi tai của các môn đệ và đôi mắt, đôi tai của chúng ta thật là có phúc, như Đức Giê-su nói" mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe”. Bởi vì chúng ta được ơn nhận biết Đức Giê-su Nazareth là Đức Ki-tô, Con Thiên Hằng Sống và Ngôi Lời nhập thể. Đôi mắt có phúc là đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô; và đôi mắt nhận biết Đức Giê-su Ki-tô là đôi mắt sống đúng với ơn gọi của mình, đúng với đời sống và sứ mạng của mình theo lòng thương xót Chúa. Đôi tai có phúc là đôi tai biết lắng nghe Lời của Con Thiên Chúa và đem ra thực hành. Đôi tai, đôi mắt có phúc là phương tiện dẫn ta tìm đến Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa.



LỜI NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm ơn Cha đã ban cho con một thân thể vẹn toàn để con được phụng thờ và ca ngợi Cha như Cha đáng được ca ngợi và phụng thờ. Nhờ lời hai Thánh Anna và Gioakim chuyển cầu xin cho con biết noi gương các Ngài luôn biết lắng nghe và nhận ra tình thương của Cha trên thể giới và trong cuộc đời con. Amen.

M. Prudence, SPP



Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

THẦY LẠI DÙNG DỤ NGÔN



SUY NIỆM (Mt 13, 10-17)

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? "
11 Người đáp: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.12 Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất.13 Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.14 Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy;15 vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
16 "Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.17 Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.

SUY NIỆM

Dụ ngôn là một trong những cách Chúa Giêsu dùng để giảng dạy dân chúng. Vì đây là những câu chuyện rất đời thường, gần gũi, thực tế, dễ hiểu… Chúa Giêsu đến và giảng dạy cho dân chúng cách bình dị và gần gũi như Mát-thêu tường thuật, “Ngài ra khỏi nhà và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông”.(Mt 13,1-2).
Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; như bài Tin Mừng hôm nay kể lại, các môn đệ đến gần Đức Giê-su và hỏi: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?” (c. 10) Như thế, nói về Thiên Chúa bằng dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, đến độ theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34).
Vì Mầu nhiệm Nước Trời, Mầu nhiệm Thiên Chúa…không diễn tả được bằng lời, bằng ngôn ngữ của loài người nên Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn như là khí cụ để làm sáng tỏ và giúp người đương thời và chúng ta hôm nay:
Nhìn ra mình nơi hình ảnh người con, nhìn ra Thiên Chúa nơi hình ảnh người cha, nhìn ra Đức Giê-su Ngôi Lời Thiên Chúa, nơi hình ảnh hạt giống, hạt lúa mì.
Và nghe được sứ điệp về Nước Trời, về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Và chúng ta được mời gọi đọc lại cuộc đời của chúng ta không chỉ như những sự kiện nối tiếp nhau, như là những dụ ngôn nói lên tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nói lên chính Thiên Chúa.
Ước chi cuộc đời của bạn và tôi cũng là một dụ ngôn cho những người sống xung quang chúng ta và những người chúng ta được gặp gỡ và được phục vụ.



LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, con cảm ơn Chúa vì Chúa đã bày tỏ Mầu nhiệm Thiên Chúa và Mầu nhiệm Nước Trời qua các dụ ngôn để cho con cảm nhận cách thâm sâu và yêu mến. Xin cho con cũng trở nên một dụ ngôn dễ hiểu cho những người sống xung quanh con, để họ dễ dàng đến với Chúa và yêu mến Chúa hơn.Amen.

M. Prudence, SPP

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

HẠT ĐƯỢC GẤP TRĂM



LỜI CHÚA: Mt 13, 1-9
Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”

SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng một trong những hình ảnh có lẽ quen thuộc với Ngài trong những ngày tháng ẩn dật ở làng Na-gia-rét. Đó là hình ảnh người gieo giống. Hình ảnh này cũng rất gần gủi và thân thương với người Việt Nam chúng ta.
Dụ ngôn gieo giống cho chúng ta một ý thức về đời sống Đức Tin của mình. Hạt Giống là Lời Chúa được ban cho mọi người, không phân biệt và loại trừ ai. Điều quan trọng là cách đón nhận của mỗi tâm hồn như thế nào.
Mỗi lần đọc bài Tin Mừng này là thêm cho chúng một cơ hội để xét mình để nhìn lại hạt giống Lời Chúa đang “rơi xuống” nơi đâu?
Mảnh đất, nơi vệ đường của xã hội hôm nay biết bao điều dữ nhưng rất hấp dẫn đang lôi kéo chúng ta ra khỏi chốn an toàn. Ma quỷ dùng nhiều chiêu trò làm cho chúng ta hoa mắt và đưa chúng ta xa dần Thiên Chúa.
Lời Chúa được gieo vào tâm hồn chúng ta qua biến cố, qua nhũng nghịch cảnh của cuộc sống. Nếu chúng ta không tinh tế đón nhận nhưng dùng cái tôi của mình để biện minh, cự tuyệt thì tâm hồn chúng ta trở nên sỏi đá cứng cỏi. Thay vì, chúng ta được biến đổi lớn lên thì chúng ta trở nên khô cháy.
Tâm hồn chúng ta còn nhiều tham- sân –si … đó là những bui gai bóp nghẹt cuộc đời chúng ta, những ý muốn tốt lành trong ta không đâm được rễ sâu và mọc lên. Chúng ta thiếu nổ lực và ý chí vươn lên và Làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.
Nếu chúng ta dám sống cho những điều tốt lành, cho sự thật, chấp nhận hy sinh bản thân cho dù bị thua thiệt, mất mát, hay đau thương…nhưng ý muốn của Chúa được thể hiện. Đó là cách chúng ta đang làm cho Lời Chúa được bội thu“hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”.
Để cho Lời Chúa thật sự được sinh hoa kết quả, đòi hỏi chúng ta luôn phải khai quang cho mảnh đất của tâm hồn mình khỏi những lo lắng thái quá, khỏi những ích kỷ, ganh ty, tham lam, loại trừ, coi thường, chia rẽ, độc quyền, độc đoán…



LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là hạt giống tốt Thiên Chúa Cha gieo vào trần gian. Chúa đã chấp nhận tan nát đi qua Mầu nhiệm Vượt Qua để đem lại sự sống cho nhân loại. Xin cho con đừng để Lời Chúa trở nên vô hiệu, nhưng biết chăm siêng cầu nguyện và dấn thân phục vụ trong yêu mến hầu Lời Chúa được trở sinh hoa trái ngang qua cuộc đời con. Amen.

M. Consolata Nguyễn Thị Lài, SPP


Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

MẸ TÔI VÀ ANH EM TÔI


LỜI CHÚA: Mt 12, 46-50
Khi ấy, Ðức Giêsu còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng rất ngắn, nhưng thành ngữ “mẹ và anh em tôi” được nhắc đến năm lần. chắc hẳn nó mang một ý nghĩa quan trọng. Đó là ý nghĩa thuộc về.
Như bạn đã biết, khi chúng đọc hay học một cuốn sách nào đó, bạn sẽ được mở mang thêm kiến thức hoặc được hiểu biết thêm một vấn đề nào đó hay hơn, mới hơn.
Khi chúng ta đọc và sống theo Tin Mừng, cuộc sống chúng ta không chỉ được hiểu biết thêm mà còn  được đụng chạm, chất vấn, được mời gọi và nhất là được mở rộng tương quan với chính mình về chiều sâu nội tâm; về chiều cao là phụng thờ và yêu mến Thiên Chúa; về chiều rộng, đó là tương quan đền với tha nhân trong hiểu biết cảm thông và yêu thương.

Điều đó được Chúa Giêsu nói rất rõ trong bài Tin Mừng hôm nay “ ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”(Mt 12,50). Như vậy Lời Chúa có sức thuyết phục và tái tạo chúng ta thành con người mới. Con người thuộc về Thiên Chúa,được làm con của Ngài và trở nên anh em với nhau.
Vậy để trở thành “người nhà” của Chúa Giêsu không chỉ dựa trên tương quan huyết thống mà con là tương quan thiêng liêng. Đó là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Chúng ta thuộc về gia đình Chúa Giêsu khi chúng ta mở rộng mọi tương quan cách chân thành trong Đức Tin..
Mẫu gương cho ta thuộc về gia đình của Chúa chính là Mẹ Maria. Mẹ đã lắng nghe, đón nhận và thực thi ý Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời Mẹ.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Khi có người nói với Chúa Giêsu: “mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” (Mt 12, 47). Chúa Giêsu trả lời làm cho ta ngạc nhiên, nều không muốn nói là rất sốc. Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi"( Mt12, 49).Phải chăng những người đang ở đây lại quan trọng hơn những người đang đứng ngoài kia. Đúng hơn, Ngài muốn đề cao Mẹ của Ngài là người Mẹ đúng nghĩa nhất vì Mẹ đã thực thi thánh ý Cha cách trọn hảo và tuyệt vời nhất.


LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, gia đình mới của Chúa là tất cả những ai lắng nghe và thực hành thánh ý Cha. Xin cho con luôn biết theo gương Mẹ Maria mở rộng tâm hồn lắng nghe và thực thi ý Cha với tâm hồn tự do. Amen

M. Prudence, SPP

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

DẤU LẠ TRONG ĐỜI



LỜI CHÚA: Mt 12, 38-42

Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. Trong cuộc phán xét, Nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa.”

SUY NIỆM:

Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.
Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.
Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.
Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Ðàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Ði tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.

Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: "Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy".
Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: "Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Ðấng đi tìm tôi".Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu dấu lạ  cho con người thấy sự hiện diện và yêu thương của Thiên Chúa.
Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một dấu lạ của yêu thương. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta. bởi vì tên của Ngài là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.( Trích sách Lẽ Sống)

Đúng thế, mỗi ngày với niềm vui, nỗi buồn và bao thăng trầm trong cuộc sống. Chúng ta vẫn luôn nhận ra Thiên Chúa luôn yêu thương và không ngừng tìm kiếm, và hiện diện với chúng ta. Đó chính là phép lạ Chúa vẫn không ngừng thực hiện nơi chúng ta. Bởi vì phép lạ đươc thực hiện là để tỏ bày tương quan của yêu thương mà thôi.

Hơn thế nữa, Thánh lễ mỗi ngày - Bí tích Thánh Thể là phép lạ lớn nhất. hiện tại hóa Mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Mỗi ngày Chúa vẫn thực hiện để trở nên nguồn lương thực hằng sống, hầu giúp chúng ta được sống và sống dồi dào.
Mỗi ngày đến rồi lại qua đi theo chu kỳ của nó nhưng chúng ta cảm nhận được bình an, niềm vui và hạnh phúc có Chúa cùng hiện diện và đồng hành. Đó cũng chính là phếp lạ mà ta không cần đòi hỏi gì nữa nhưng nếm cảm với tâm tình biết ơn. Vì nhờ tin để chúng ta đón nhận dấu lạ chứ không khải vì thấy dấu lạ để tin.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa là suối nguồi của tình yêu, mọi hồng ân Chúa ban hay những khó khăn đau khổ đến trong cuộc đời, đó là những phép lạ Chúa cho phép xảy ra để làm cho cuộc đời con được hạnh phúc và viên mãn hơn mà thôi, xin cho con luôn biết cảm tạ Chúa và đón nhận với lòng biết ơn. Amen.

M. Prudence, SPP


Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

CHỌN PHẦN TỐT NHẤT


LỜI CHÚA: Lc 10, 38-42
Một hôm, Ðức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mácta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Chúa đáp: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
SUY NIỆM:
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta gặp lại hai khuôn mặt thân quen nhưng cách sống hoàn toàn khác nhau. Đó là cô chị Mácta và cô em Maria.
Gia đinh hai cô ở làng Bêtania, đây là gia đinh rất thân thiết với Chúa Giêsu trong hành trình truyền giáo, Chúa Giêsu và các môn đệ hay lui tới. Vì thân thiết nên hai cô đón Thầy cách thân thiện và gần gũi.
Mácta xem ra giỏi “nữ công gia chánh”. Cô tất bật với công việc muốn trổ tài thết đãi Thầy với bữa ăn thịnh soạn để tỏ lòng kính trọng Thầy. Còn Maria thì cứ bình thản, vô tư ngồi bên chân Thầy để nghe, Lời Thầy đã lôi cuốn cô, Cô đã đón nhận Lời cách tự nhiên và trọn vẹn. Chắc chắn đây là giây phút hạnh phúc nhất của đời cô.
Mácta có cái gì đó tức tối, bực bội. Bởi vì cô tất bật lo việc phục vụ, mà cả Thầy và người em gái không quan tâm và giúp đỡ cô. Nên cô đã lên tiếng: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao?”.  Nói như thế là Mácta trách cả Thầy luôn. Cô không hiểu em mình làm gì và Thầy đang làm gì. Cô cứ nghỉ chi cô mới là người tận tâm phục vụ và yêu mến Thầy. Nên cô nói tiếp “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!” Mácta cũng muốn Thầy cũng phải để ý và quan tâm tới biết công việc mình làm. Cô kéo Thầy về phía công việc của mình.
Thầy Giêsu biết rõ tất cả, Thầy không loai trừ việc làm của cô Mácta nhưng Thầy muôn chỉ cho cô biết việc nào quan trọng hơn: “Mácta! Mácta ơi! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Lời của Thầy nói với Mácta cũng nói cho chúng ta ngày hôm nay giữa cuộc sống ồng ào và xao động. Nhiều khi chúng ta coi trọng việc làm hơn sự tĩnh tâm bên trong, coi trong phục vụ hơn đời sống cầu nguyện, coi trong đời sống bề ngoài hơn là những năng động bên trong…
Cầu nguyện và phục vụ là ơn gọi và sứ mạng của con người, nó cần được cân bằng và bổ túc cho nhau. Hơn nữa, đây chính là căn tính của người kitô hữu, vì thế chúng ta hãy làm trong tình yêu với Đấng đã ban sức mạnh cho chúng ta. Chúng ta thực hiện nói không phải bằng cảm xúc nhưng là thực hiện theo Thánh Ý Chúa. Vì không có ơn Chúa chúng ta không thể làm gì được.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, Đấng con tôn thờ và yêu mến. Xin cho con ý thức rằng phục vụ là cầu nguyện và cầu nguyện cũng là phục vụ để con đừng bao giờ xao lãng nhưng biết chu toàn cả hai bổn phận trong yêu mến và phó thác. Amen.

M. Prudence, SPP


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

NGƯỜI KHÔNG ĐÀNH BẺ GÃY


LỜI CHÚA: Mt 12, 14-21

Khi ấy, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu. Biết vậy, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói:
“Ðây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn,
đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.
Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người.
Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.
Người sẽ không cãi vã, không kêu to,
chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy,
tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi,
cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,
và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”

SUY NIỆM:
Thiên Chúa là Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa là chủ tể muôn loài. Con người là tạo vật được Thiên Chúa tạo nên giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa ban cho con người quyền bá chủ. Trong sách Sáng thế trình thuật rất rõ:  “hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế” (St 2, 19). Nhưng xem ra con người lại nghi ngờ Thiên Chúa  và lạm dụng quyền hành.  Cuối cùng con người đánh mất tinh yêu thuở ban đầu. Vì yêu thương Thiên Chúa nối lại mối tình ấy nhưng con người vẫn sống theo tội lỗi và yếu đuối của mình.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ cách hành động của Thiên Chúa và con người.
Đại diện cho con người là nhóm Pha-ri-siêu:  chống đối, không tin vào quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su… họ bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu và việc làm này của họ đã thành công. Đó là cách hành xử của con người xưa cũng như nay: ghét bỏ, loại trừ, bạo lực, đàn áp, bất chấp luật pháp…gây ra chết chóc thảm khốc, bất chấp tiếng nói lương tâm.
Thiên Chúa, Đấng có quyền trên trời dưới đất, muôn loài phải phụng thờ Ngài, Thế mà trích sách ngôn sứ Isaia đã nói về Ngài: “Chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Một Thiên Chúa quyền năng, mạnh mẽ nhưng lại âm thầm yêu thương gần gũi, nhẹ nhàng, luôn nâng đỡ ủi an đến nỗi:Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”.
Cuộc sống hôm nay do tôi và bạn tiếp nối và quyết định. Chúng ta hành xử theo kiểu của Thiên Chúa hay của loài người. Chắc chắn Thiên Chúa vẫn nhìn thấy cách hành xử và  hành động của chúng ta đối với nhau và đối thiên nhiên và môi trường sống.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa là nguồn yêu thương của lòng con xin cho con thấy Chúa trong mọi người và trong mọi sự để con hiến cách hành động và hành xử như Chúa. Amen.

M. Prudence, SPP





Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

LÒNG NHÂN HƠN LỄ TẾ


LỜI CHÚA: Mt 12, 1-8
Khi ấy, vào ngày Sabát, Ðức Giêsu băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Ðức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Ðền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Ðền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”

SUY NIỆM

Theo một bảng thống kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium. Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây chết.
Người Ai Cập thời cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui cho người khác không?". Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia, người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước ngòi bút của tôi". Người tín hữu Kitô, theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.
Trong quyển sách có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan Phaolô II đã viết như sau: "Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui".
Nhưng niềm vui không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao ban, niềm vui càng lớn mạnh. Vì thế có câu: "niềm vui khi được chia sẻ với tha nhân thì được tăng gấp đôi..."
Mỗi ngày chúng ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người "vui lòng", nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn người khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta, bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.(Trích sách Lẽ Sống)
Hơn bao giờ hết, Thiên Chúa là niềm vui, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô mở đầu tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm Vui Của Tin Mừng với câu: “Niềm vui của Tin Mừng tràn ngập tâm hồn và toàn thể đời sống của những người gặp gỡ Chúa Giêsu”. Người có Thiên Chúa ở cùng là người có niềm vui. Trong Năm Đời Sống Thánh hiến người đã xác quyết: “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”.
Vì thế mỗi ngày sống là một ngày mang tin vui đến cho người khác. Đó chính là cách sống ngày Sa bát theo tinh thần của Giêsu – Thầy chí Thánh: Cứu sống, giải thoát, yêu thương, phục vụ thay vì tố cáo, ghen tỵ, hãm tài so bì tính toán, dòm ngó hơn thua, sống hình thức nệ luật…
Mỗi ngày, xin cho bạn và tôi tỉnh tảo và nhạy bén để đặt câu hỏi cho mình: Tôi là ai trong gia đình, trong cộng đoàn của tôi? Là người sống vì luật để bắt bẻ người khác hay là người biết cảm thông giúp đỡ, yêu thương.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, mọi giao ước, mọi giới luật được lập ra là để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Xin cho con biết sống luật và giữ luật như thế nào để Chúa được mọi người tìm đến, ca ngợi và tôn vinh đồng thời giúp con sống vì niềm vui, hạnh phúc và lợi ích của tha nhân. Amen.

M. Prudence, SPP