Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

PHÚC THAY... NƯỚC TRỜI LÀ CỦA HỌ




LỜI CHÚA: Mt 5, 1-12a

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng, Người lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.”

SUY NIỆM:

Mừng lễ các thánh Nam Nữ Giáo hội mời gọi chúng ta đọc và cầu nguyện bài “Hiến Chương Nước Trời” của Tin Mừng Mat-thêu. Phải chăng Giáo hội muốn  nhắc nhở với chúng ta, đây là con dường giúp mọi người đạt tới hạnh phúc đích thật.
Các mối phúc không phải tự nhiên mà có, nhưng đó là một cuộc chiến, một sự đấu tranh của bản thân với các cám dỗ, các thế lực của satan. Chính vì cuộc chiến này, mà Đức Giêsu đã lên tiếng: “Phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào.” Tại sao? Đức Giêsu bảo phải chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào là vì có nhiều người tìm cách vào mà không thể vào được?”
Cửa hẹp chính là các mối phúc Thiên Chúa muốn chúng ta đạt đến qua một cuộc khổ luyện ở cuộc sống trần gian này.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Trong thân phận của con người, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh, chóng qua, nghèo nàn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.

“Phúc thay ai hiền lành”. Con người chúng ta vốn là hiền lành, chứ không phải là bạo lực hay thú tính; và sự hiền lành này đã được gieo nơi bản tính sâu xa của con người chúng ta; đó là điều mà chúng ta gọi là nhân tính. Bởi vì, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; mà Thiên Chúa thì hiền lành, vì Ngài là tình yêu.

“Phúc thay ai sầu khổ”. Ai trong chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh, khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.

Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính”. Và ở trong sâu thẳm của tâm hồn, tất cả chúng ta đều khao khát nên công chính, thay vì ở trong sự bất chính, để có thể đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Nhưng rốt cuộc thì chính Thập Giá Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không thể tự mình làm cho mình trên nên công chính được.

Mối phúc cuối cùng, vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa”. Đây là con đường các thánh đã trải qua trong đó có các thánh Tử đạo Việt Nam.
Chúng ta là chi thể của Đức Giêsu. Ngài là đầu, Đấng đã chịu chết vì chúng ta, thật là hổ nhục. Nếu tôi là chi thể của Ngài mà đi tìm một sự dễ dãi cho bản thân của tôi.
Lời mời gọi nên thánh, và khao khát nên thánh vẫn là ơn ban đến từ Thiên Chúa. Vì thế Chúa vẫn muốn tôi nên thánh nơi chính bản thân tôi, nơi con người thật của tôi, nơi tôi là… Đó là một cuộc chiến hàng ngày nơi chính tôi và lời mời gọi của Thầy Chí Thánh Giêsu. “ Hãy nên Thánh vì Ta là Đấng Thánh”.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Cha trên trời là Cha của con, chỉ có Cha là Đấng Thánh và Đức Giêsu con Cha là con đường duy nhất làm cho con nên thánh. Xin cho con nổ lực, chiến đấu sống tinh thần tám mối phúc của Ngài ngay trong chính những đòi hỏi nho nhỏ của ngày sống. Xin các thánh nam nữ trên trời cầu bầu cho con. Amen.

M. Prudence, SPP



Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

ĐỨC GIÊ-SU CHỮA BỆNH VÀO NGÀY SA-BÁT




LỜI CHÚA: (Lc 13, 10-17)
Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! "13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "15 Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "
17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.



SUY NIÊM:

Tin Mừng hôm nay kể lại cách giữ luật và sống luật sa-bát của Đức Giêsu và của Ông trưởng hội đường. Đồng thời cho chúng ta chiêm ngắm ba nhân vật: Người biệt phái, người phụ nữ còng lưng và Đức Giêsu.
 Ông trưởng hội đường trong Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết ông thuộc nhóm biệt phái. Vì nhóm biệt phái giữ luật rất nhiệm nhặt, họ giữ luật theo từng mặt chữ và con chữ. Họ giữ luật luật theo lệnh cấm. Nghĩa là “không được làm”. Cụ thể trong Tin Mừng hôm nay là: không được chữa bệnh trong ngày sa-bát. Nên “ông tức tối … và lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!”
Với Đức Giêsu, ngày Sa-bát là ngày giải thoát, ngày ban sự sống mới cho con người và mọi tạo vật.
Chúng ta hãy nghe Đức Giêsu nới với Ông trưởng hội đường:"Những kẻ đạo đức giả”. Đức Giêsu không chỉ nói với người biệt phái ngày xưa nhưng Ngài vẫn nói với tôi ngày hôm nay. Nếu tôi sống bề ngoài, phô trương, giả dối, kiêu căng…thiếu bác ái và thiếu quan tâm giúp đỡ… mà chỉ biết dựa vào luật để bắt lỗi khác người .
Hình ảnh phụ nữ trong Tin Mừng hôm naybị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được” (C11). Trước tình cảnh của bà, Đức Giêsu nhìn thấy và Ngài đã động lòng trắc ẩn, đặt tay, chữa lành cho bà và “bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa”(C13).
Cách nào đó, cuộc đời tôi có khi cũng bị sa-tan làm cho còng xuống, diễn tả một thân phận nô lệ cho tội lỗi không nhìn thấy được quyền năng và tình thương Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời tôi ngang qua mọi người, mọi biến cố và vũ trụ.
Hành động chữa bệnh, mà vẫn không vi phạm luật ngày Sabat, Đức Giê-su làm cho ngày sabat được hoàn tất, vì ngày sabat là ngày “con người đứng thẳng và tôn vinh Thiên Chúa”. Hình ảnh này diễn ta Ngày Thứ Bảy, vốn là điểm tới của thời gian, được Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá (x. St 2, 1-3).
Theo thánh Phaolô, Satan đã dùng Lề Luật như là dụng cụ để buộc tội trước mặt Thiên Chúa, nhằm hủy diệt con người: « Thực vậy, khi chúng ta còn ở trong xác thịt, các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả cho sự chết » (Rm 7, 5). Và đó chính là một trong những suy tư chính yếu của thư gởi tín hữu Roma : « Nhưng chính tội, để cho nó bị phơi bày ra như là tội, nó đã dùng điều tốt để gây nên cái chết cho tôi. » (Rm 7, 13)
Nơi Thập Giá, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta một cách chính xác khỏi sự công chính đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa.

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là hiện thân của Chúa Cha, Đấng đầy lòng trắc ẩn luôn chữa lành, giải thoát và muốn cho con người được sống hạnh phúc. Xin cho con luôn mặc lấy lòng thương xót của chính Chúa để con quan tâm và yêu thương tha nhân đó là cách con tôn vinh và ca ngợi Thiên Chúa.Amen.

M.Prudence, SPP



Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

THẦY ĐÃ NÉM LỬA VÀO MẶT ĐẤT



LỜI CHÚA:Lc 12, 49-53
"Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."

SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay, nói cho chúng ta về sức mạnh và tác dụng của Lời Chúa trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh lửa để nói về sứ mạng và nói về chính con người của Ngài.
Chúa Giêsu quả quyết "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”(C49) Lửa Chúa Giêsu mang đến không phải là để phá hoại hay hủy diệt nhưng là để thanh luyện và sưởi ấm, để tái lập sự sống mới. Lửa ấy cũng làm cho nội tâm chúng ta bị xung khắc, Chúng ta có chấp nhận để cho lửa Giêsu đốt cháy và thiêu rụi. Đó là chúng ta có chấp nhận để Lời Chúa thanh luyện chúng ta qua từng biến cố, qua từng con người giúp chúng ta được lớn lên trong đời sống nhân đức. Lớn lên trong đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Nghĩa là chúng ta biết từ bỏ chính mình cộng tác cách trung tín với những đòi hỏi của Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu cũng “khắc khoải” để cho kế hoạh Cứu Độ của Ngài được hoàn tất.

Chúa Giêsu khẳng định:"Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”. Đúng thế, Thánh ý Chúa luôn làm cho chúng ta giằng co, xung đột.
Với chính mình, nếu chúng ta không dựa và Lời Chúa là Ánh Sáng,là sức mạnh, là sự tự do và ơn giải thoát…thì chúng ta dễ bị cái tôi ích kỷ, hẹp hòi… kéo chúng ta đi ngược lai với những nghịch lý của Tin Mừng, mà chúng ta thích và đi tìm những điều hợp lý, những điều rõ ràng hay những “ phép lạ” vì tự ái, vì ghen tỵ vì kiêu ngạo…để thõa mãn chính mình. Vì thế, chúng ta luôn phải có những khoảng trống, khoảng lặng trong tâm hồn nhờ đời sống cầu nguyện để phân định đâu là ý của Chúa và ý của chúng ta. Lời Chúa cũng làm cho nội tâm chúng ta  bị "chia rẽ" giữa thể xác và tinh thần. Thánh Phao-lô đã có kinh nghiệm này, " Điều lành tôi muốn thì tôi lai không làm, điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm".
Với tha nhân, trong đời sống gia đình, cộng đoàn, Lời Chúa sẽ "chia rẽ" chúng ta với nhau, như Tin Mừng kể lại:"Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."(C52-53) Sự "chống lại" này, ước chi dẫn chúng ta đến  sự "khắc khoải" của Chúa Giêsu để chúng ta tìm đến sự hòa giải sau khi xung độ, tìm đến sự hợp nhất sau khi chia rẽ, tìm đến yêu thương sau khi ghét bỏ, tìm đến sự sống sau cái chết. Xin cho chúng ta biết xây dựng đời sống gia đình, cộng đoàn , nhất là biết đọc lại đời mình dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, để nhận ra mọi biến cố đã xẩy ra trong cuộc đời chúng ta đều qui về mầu nhiệm Vượt Qua ; và xin cho chúng ta cũng biết khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua, khi phải sống những biến cố nhỏ bé và đời thường.
 Từ đó, chúng ta xác tín rằng” Chúa luôn viết những nét thẳng trên những đường cong”. Để chúng ta không chống đối chia rẽ nhau nhưng biết nghiệm ra kế hoạch cứu độ của Ngài vẫn đang tiếp diễn trên cuộc sống của mỗi người chúng ta ngang qua  bản thân, gia đình và cộng đoàn.


LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là ánh sáng, là sự sống và là Sức mạnh của đời con. Xin cho con biết thống nhất đời sống bằng việc kín múc sự sống và sức mạnh ấy từ Lời Chúa và bí Tích Thành Thể, hầu con biết phản chiếu lại và làm cho bừng cháy lên ngọn lửa Giêsu ngang qua mầu nhiệm thập giá của đời con trong dâng hiến và quên mình phục vụ. Amen

M. Prudence, SPP

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

HÃY RA ĐI


LỜI CHÚA: Lc 10, 1-9

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
2 Người bảo các ông: 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói.4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em.

SUY NIỆM

Chúng ta đang sống trong tuần thứ 29 thường niên, truyền thống của Giáo Hội Công Giáo là cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo. Vì Truyền Giáo là bản chất của Giáo Hội, Giáo hội luôn khao khát và thực hiện thao thức của Chúa Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Vậy “thợ gặt”, chính là mọi người chúng ta đều được Chúa Giêsu trao cho sứ mạng và được sai đi. Như vậy, truyền giáo chính là bổn phận hàng đầu của chúng ta là kitô hữu, chứ không của riêng ai.
 Truyền giáo là một ơn đặc biệt, chúng ta phải cầu xin Chúa ban ơn để việc truyền giáo trước hết là công việc cảu Chúa chứ không phải của chúng ta. “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Môi trường truyền giáo lắm khi nguy hiểm, thế mà Chúa Giêsu chỉ thị: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Thoạt nghe chúng ta thấy thật nghiêm khắc, Điều đó muốn nói lên rằng người được sai đi  hoàn toàn tùy thuộc vào người sai đi. Chúng ta hãy tin tưởng phó thác cho Chúa tất cả.
 Điều quan trọng Chúa muốn chúng ta trao ban cho người khác là “chúc bình an”. Chỉ có bình an mới giúp cho chúng ta đến với người khác, chỉ có bình an mà chúng ta được người khác đón nhận. Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho ta sẵn sàng ra đi và dấn thân.
Thánh Sử Luca, Giáo hội mừng kính hôm nay là một gương mẫu truyền giáo tuyệt vời. Chúng ta cùng nhau đọc lại cuộc đời của Ngài:
Thánh Luca là người Hy-lạp ngoại giáo trở lại, và là môn đệ của Thánh Phaolô. Người là tác giả sách Phúc Âm thứ ba và sách Tông Ðồ Công Vụ.
Thánh Luca là người học thức, có tài viết văn, có tài kể chuyện, người đề tặng cả hai tác phẩm của mình cho một nhân vật thế giá tên là Tê-ô-phim, mới theo đạo Kitô. Thánh Luca viết sách Phúc Âm khoảng giữa năm 70 và 75 sau công lịch, nhấn mạnh đến:
- Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ mọi người, giao hoà nhân loại với Thiên Chúa. Chúa thu hút nhân loại bằng những đức tính cao cả của Ngài. Ngài luôn cầu nguyện ngợi khen Chúa Cha.
- Thiên Chúa nhân từ và thương xót.
- Tinh thần bỏ mình và nghèo khó.
Thánh Luca dùng lời lẽ có ý nghĩa để diễn tả lại những trường hợp Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót các phụ nữ hư hỏng, và phục hồi quyền lợi thế giá cho họ. Người đã kể lại những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại, như các chuyện bà Ma-đa-lê-na, ông Gia-kêu, người trộm lành, người Sa-ma-ri-a nhân hậu.
Ngài viết Phúc Âm để minh chứng rằng đạo Chúa Kitô là một đạo giáo toàn cầu qua cách giảng diễn lòng nhân từ của Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức; nêu cao lòng thiện cảm của Chúa dành cho dân ngoại. Phúc Âm ngài đã diễn đạt chân lý mà Thánh Phaolô công bố trong thư Ga-la-ta chương 3 câu 28 như sau: “Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất ca anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô.”
Thánh sử đã cảm nhận và có những kinh nghiệm mãnh liệt với Tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa, nên Tin Mừng của Ngài làm nổi bật về chân lý ấy.
Chúng ta chưa có những kinh nghiệm bén rễ sâu trong Chúa như Ngài, thì chúng hãy dùng chính những ơn ban của Chúa ngang qua từng ngày sống với tâm tình tạ ơn và ca ngợi để người khác cũng nhìn thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong mọi người và trong thế giới này thật gần gũi và chân thành.



LỜI NGUYỆN

 Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng chúng con ít khi nghĩ đến những hạt giống đã âm thầm chịu nát tan để trao cho đời cây lúa trĩu hạt. Có bao điều tốt đẹp chúng con được hưởng hôm nay là do sự hy sinh quên mình của người đi trước, của các nhà nghiên cứu, các người rao giảng, của ông bà, cha mẹ, thầy cô, của những người đã nằm xuống cho quê hương dân tộc. Đã có những con người sống như hạt lúa, để từ cái chết của họ vọt lên sự sống cho tha nhân. Nhờ công ơn bao người, chúng con được làm hạt lúa. Xin cho chúng con đừng tự khép mình trong lớp vỏ để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của mình, nhưng dám đi ra để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ. Chúng con phải chọn lựa nhiều lần trong ngày. Để chọn tha nhân và Thiên Chúa, chúng con phải chết cho chính mình. Ước gì chúng con dám sống mầu nhiệm vượt qua đi từ cõi chết đến nguồn sống, đi từ cái tôi hẹp hòi đến cái tôi rộng mở trước Đấng Tuyệt Đối và tha nhân. Amen. (Raboni)
M. Prudence, SPP


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

LO LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA


LỜI CHÚA: Lc 12, 13-21

Một hôm, có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay kể lại: Có một người đến với Ðức Giêsu để xin Ngài chia gia tài giữa hai anh em. Tin Mừng không nói nói rõ lai lịch người này là ai? Thuộc hạng người nào trong xã hội? Nhưng Đức Giêsu đã từ chối không làm việc này mà Ngài còn hỏi ngược lại: “ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Phải chăng người này lợi dụng uy tín của Chúa Giêsu để thõa mãn nhu cầu vật chất của mình. Nếu chúng ta đến với Thiên Chúa để thõa mãn các nhu cầu vật chất, coi chừng chúng ta sẽ hụt hẫng và thất vọng.
Nhân cơ hội này Đức Giêsu nói cho những người cùng thời và cho chúng ta hôm nay: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.”(C15).
Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn: “nhà phú hộ giàu có” ông chỉ lo làm giàu, chỉ tích lũy cho bản thân mình mà không nghĩ đến người khác. Xây kho lẫm này đến kho lẫm khác. Rồi ăn chơi không nghĩ đến Thiên Chúa, không nghĩ đến ý nghĩa cuộc đời, ông không nghĩ đến đời sống mai hậu… Vậy của cải đó sẽ thuộc về ai? Và Thiên Chúa gọi những kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa là: “Ðồ ngốc!”
Vậy đâu là kho tàng của tôi? Điều mà Thiên Chúa muốn tôi thu tích và làm giàu trước mặt Thiên Chúa, đó là tình yêu, qua những hy sinh âm thầm hằng ngày, những việc nhỏ không tên nhưng làm với lòng mến, những cảm thông, chia sẻ chân thành, những lời nói và việc làm xây dựng đời sống bác ái yêu thương.


LỜI NGUYỆN:

Lay Chúa Giêsu yêu mến, trong kinh lạy Cha chỉ cho chúng con cầu nguyện để có lương thực hàng ngày. Vì thế, xin cho con ý thức rằng của cải vật chất chỉ là phương tiện để giúp chúng con hoàn thành hành trình Đức tin tại thế này. Hầu giúp con đạt tới Quê Trời là nơi con sẽ được hưởng hạnh phúc với Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen

M. Prudence, SPP

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

THÁNH THẦN SẼ DẠY CHO BIẾT ĐIỀU PHẢI NÓI


LỜI CHÚA: Lc 12, 8-12
"Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.
10 "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.
11 "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì,12 vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói."

SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay, muốn ta biết và thực hiện ba điều: nhìn nhận hay từ chối Con Người cách công khai (c. 8-9); nói phạm đến Con Người và nói phạm đến Thánh Thần (c. 10); và trường hợp người môn đệ bị đưa ra xét xử công khai (c. 11-12).
Ba điều trên, chung quy lại: cách chúng ta sống đời kito hữu như thế nào để cho mọi người biết và yêu mến Thiên Chúa, minh chứng chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô.
 Một ngày nọ, trên hành trình dài, xe chở khách dừng lại ở một quán ăn khá đông người, tôi chú ý một cậu bé, miệng bi bô nói chuyện thật dễ thương và hồn nhiên. Tôi cứ quan sát cậu bé ấy từ xa. Không biết hai mẹ con nhỏ to thế nào. Cuối cùng người mẹ gọi cho cậu một tô phở. Thế là cậu không còn bi bô nữa, ngồi nghiêm trang trước tô phở, tôi thầm nghĩ: “ cậu thích phở lắm đây, cậu ấy đang đói bụng và bắt đầu ăn”. Nhưng không, cậu ấy xé tan suy nghĩ của tôi, và hành động của cậu ấy làm tôi bất ngờ đến thẩn thờ và xấu hổ... Cậu ấy làm Dấu Thánh Giá. Việc làm và thái độ của cậu bé ấy trước tô phở đã chất vấn tôi, thay đổi cuộc sống tôi t ngày ấy. Tôi có mạnh dạn làm dấu Thánh Giá trước mặt mọi người như cậu bé ấy?
Tuổi của tôi lớn hơn cậu bé ấy nhiều nhưng đời sống đức tin của cậu ấy lại lớn hơn tôi nhiều lắm. Cậu bé ấy đã dạy tôi cách tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt mọi người, (dù chỉ làm dấu Thánh Giá) mà chính bài Tin Mừng hôm nay, như đang nhắc lại để giúp tôi xác tín hơn nữa Lời Chúa nói với tôi  hôm nay: “phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.(C 8-9)
 Khi ta sống điều mình tin là chúng ta đang tuyên xưng niềm tin của mình. Để sống niềm tin chúng ta cần phải có Thánh Thần Chúa hướng dẫn. Vì thế trong cuộc sống chúng ta cần lắng nghe lời của Chúa nói trong từng biến cố qua từng sự việc. Làm theo sự hướng dẫn của Thánh Thần chúng ta sẽ được tâm hồn bình an, cho dẫu có khi chúng ta bị thua thiệt, mất mát và đau khổ... nhưng ngược lại, nếu chúng ta cứ đi tìm điều có lý theo ý mình để thực hiện coi chừng chúng ta đang ngoan cố làm ngược lại ý Chúa. Ai trong chúng ta cũng có chút kinh nghiệm của lắng nghe và vâng lời. Vì thế, chúng ta cần có một đời sng nội tâm để sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Vì Chúa Thánh Thần sẽ dạy ta biết mọi điều nhất là những lúc ta như bế tắt, đi vào ngõ cụt; Ngài sẽ là ánh sáng khi ta bước đi trong đêm tối cuộc đời.Ngài sẽ sửa lại mọi sự sai trái của ta.
 Ta hãy học kinh nghiệm của thánh Tê-rê-sa Avila được Giáo Hội kính nhớ hôm nay. Đó là không tự biện minh cho mình nhưng hãy để Thánh Thần nói và làm tất cả. Lúc nhỏ, thánh nữ rất thích đọc sách tu đức và hạnh thánh tử đạo, thấy các ngài can đảm hy sinh chịu khổ chịu chết vì Chúa, và được nên thánh trong Hội thánh. Có lần ngài bảo em: "Chúng ta hãy đến chỗ người ta đang bắt đạo, để chị em mình được chết vì đạo, được Chúa thưởng lên thiên đàng hưởng phước với các thánh.”
Đề tài thánh Têrêsa ưa nguyện ngắm hơn cả là đời sống hy sinh và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vì thế trong mọi hoàn cảnh, thánh nữ luôn múc lấy sức mạnh nơi thánh giá Chúa và luôn luôn tâm niệm lời Chúa phán: “hãy vác thánh giá và theo Chúa”. Thánh nữ đã viết: “Tôi không phàn nàn về thân phận của tôi, quả thực tôi không yếu đuối như những phụ nữ khác. Tôi có một trái tim quả cảm. Thiên Chúa nâng đỡ những ai quyết tin tưởng nơi Ngài. Chúa là sức mạnh, là nơi nương tựa và hướng đạo của tôi”. Ngài luôn cầu nguyện: "Lạy Chúa, từ nay con muốn quên đi chính mình, hầu chỉ chú tâm vào việc con có thể làm gì để phụng sự Chúa, và con không còn ý muốn nào khác ngoài Thánh Ý Chúa".





LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, sống theo Thánh Ý Chúa thật là khó. Làm theo ý Chúa lại là một thách đố cho con. Vì làm theo ý Chúa đó cũng là cách con tuyên xưng Chúa trước mặt mọi người. Xin cho con luôn biết nuôi dưỡng thánh ý Chúa trong đời sống cầu nguyện hầu con mạnh dạn làm chứng cho Chúa trong đời sống phục vụ của con dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Vượt Qua. Amen.
M. Prudence, SPP






Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

PHẢI COI CHỪNG MEN PHARISÊU


LỜI CHÚA: Lc 12, 1-7
Khi ấy, đám đông dân chúng tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau. Bấy giờ Ðức Giêsu bắt đầu nói, trước hết là với các môn đệ: “Anh em phải coi chùng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà. Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Ðấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Ðấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một khung cảnh thật náo nhiệt, tấp nập và ồn ào bởi đám đông dân chúng chen lấn để nghe Chúa Giêsu. Trước hết, Chúa Giêsu dạy dỗ các môn đệ:
“Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Đây là một loại men độc hại có thể lây lan khi con người ham thích phô trương, sống bề ngoài. Khi mắc phải loại men này. Con người thường có những triệu chứng mang nhiều mặt nạ của sự khéo léo, lăng xăng không ở yên để che đậy cái xấu xa bên trong. Khi thói giả hình có tính lây lan làm cho đời sống  cá nhân trở nên chuộng hình thức, thích được khen, dễ bực bội , hay ghen tỵ... và làm cho đời sống chung tàn tật méo mó bởi  xào xáo, chia rẽ và bất hòa… Vì thế, Chúa Giêsu dạy các mộn đệ: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà”. Sống trung thực là loại thuốc đặc trị để khử trừ men Phariseu ra khỏi tư tưởng và con tim của mình. 
Trước mặt thiên hạ còn che dấu được, còn trước mặt Thiên Chúa sự thật sẽ được phơi bày.Vì thế là môn đệ Chúa Giêsu thì phải sống cho sự thật, mà sự thật có khi phải thiệt thân. Nên Chúa Giêsu cánh báo: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác. Cho dẫu phải chết cũng phải sống cho sự thật và đấu tranh cho sự thật như Gioan Tẩy giả làm chứng cho sự thật mà ông đã bị chém đầu(MC 6, 17-29).
Sống và làm chứng cho sự thật thì Đấng là sự Thật và là sự Sống sẽ bảo vệ chúng ta. Chúng ta hãy sợ Đấng ấy”. Vì cuộc sống của chúng ta ở trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúng ta hãy phó thác nơi Ngài tất cả. Ngài là tất cả cho cuộc sống của chúng ta.


LỜI NGUYỆN.
Lay Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là Đường là sự thật và là sự sống. xin dạy con biết sống và làm chứng cho sự thật. Vì chỉ có Sự Thật là chính Chúa sẽ giải thoát con. Amen.

M. Prudence, SPP

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

SỐNG THẬT


PHÚC ÂM: Lc 11, 47-54

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".
Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng

SUY NIỆM:

          Ngày nay, người ta muốn thu hút được khách hàng thì luôn luôn phải có quảng cáo. “Quảng cáo” là một hình thức truyền thông giúp cho khách hàng biết đến sản phẩm của mình. Và trong thời đại ngày hôm nay, cái gì, việc gì người ta cũng đem ra quảng cáo. Khi quảng cáo thì những gì là “nhất” người ta đều đăng lên. Sản phẩm tốt nhất, bền nhất, rẻ nhất, đẹp nhất…trong các chương trình giải trí thì họ quảng cáo: ca sĩ nổi tiếng nhất, hay nhất, diễn viên đẹp nhất, tài năg nhất…Cứ càng đăng tải nhiều hình ảnh đẹp vầ những câu nói trau chuốt, bóng bẩy, độc và lạ mà chuẩn không cần chỉnh như những từ mà tuổi teen ngày hôm nay hay dùng, là có thể dễ dàng thu hút sự tò mò của người xem.
          Đó là những gì chúng ta nhìn thấy mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng chuáng ta đều biết rằng: “sự thật thì nó không đúng với những gì quảng cáo đoan hứa. Vậy là nó cũng mang sự giả dối trong đó để chiêu dụ khách hàng.
          Thế nên, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đã chỉ trích rất nặng những người Pharisêu và nhà thông luật. Họ là những người rất thông thái về luật Chúa, nhưng qua cách sống của họ thì chỉ là hình thức “quảng cáo”. Bằng việc là “chất lên vai người khác gánh nặng” mà “mình thì không đụng ngón tay vào” (Lc 11,46), “xây lăng cho ngôn sứ” mà “cha ông thì giết chết những vị ấy” (Lc 11,47), “thông luật” nhưng “cất giấu chìa khóa của sự hiều biết” còn tệ hơn nữa là “không vào” mà “kẻ muốn vào thì ngăn cản”
          Nhìn lại đời sống dâng hiến của tôi hôm nay, tôi cũng đang mang bộ mặt “quảng cáo” hằng ngày. Khi đến với Chúa, nhìn phong thái bên ngoài cứ ngỡ là tôi sốt sắng đang kết hiệp với Chúa, nhưng đâu ngờ tôi đang suy nghĩ những chuyện giận ghét chị em, hay lo ra một chuyện nào đó. Trong đời sống sứ mạng, bề ngoài luôn thấy tôi chu toàn tốt những bổn phận được giao, nhưng có ngờ đâu trong lòng tôi vẫn luôn than vãn, càm ràm không bằng lòng vâng phục…
          Thế nên, đối với người đời, tôi luôn được người khác kính trọng và khen ngợi với sự thánh thiện, đạo đức, vui vẻ, hòa đồng….nhưng chỉ có Chúa thấy rõ nhất bộ mặt thật trong lòng tôi, với những sự dơ bẩn đượm mùi thế gian, mà tôi đang cất giấu trong nơi sâu thẳm nhất của lòng mình.


CẦU NGUYỆN:
          Xin mượn lời thánh vịnh để nói lên tâm tình:
          “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghĩ ngơi Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi Ngài quen thuộc cả” (Tv 139). Nên “lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm” (Tv 50). Amen.


Nt. M.Daria Thiên Thanh. SPP

LỐI MÒN CỦA SUY NGHĨ.


LỜI CHÚA: Lc 11, 37-41
Khi Ðức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Ðồ ngốc! Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

SUY NIỆM:

            Phariseu là những người thông thạo về Luật dù những  mảnh luật chi li họ cũng không bỏ qua. Cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, "luật"rửa tay trước khi ăn họ cũng xét nét với vị Thượng Khách được mời, ông lấy làm lạ khi "Người không rửa tay trước bữa ăn". Đây là một cách sống luật bề ngoài. Nhân cơ hôi này Đức Giêsu chỉ cho họ thấy: đâu là điều quan trọng, Tâm hồn cao đep, trong sạch, hướng thượng hay thân xác lệ thuộc những luật lệ  lê thê bên ngoài. Một tâm hồn được cắt tỉa bên trong hay một thân xác nặng nề với những cái tôi cổ hũ nặng nề không ai được đụng tới...  Đức Giêsu muốn biến luật rửa tay của họ thành luật thanh tẩy tâm hồn. Đó là những cướp bóc, gian tà... hãy sám hối, ăn năn và biến đổi thành công bình, bác ái, lòng nhân ái và xót thương. "Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?
         
            Người Phariseu trong thời đại hôm nay  đó chính là chúng ta, nhiều lần ta lấy những thói quen và những truyền thống của ta để làm thước đo mà đánh giá và xét đoán người khác một cách vội vã hời hợt với những cái bên ngoài mà không hiểu được, không thông cảm được với họ, không đặt mình vào để hiểu họ, nhưng lại kết án cách cay nghiệt...



            LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu! Đọc lời Chúa hôm nay, con nhìn vào chính tâm hồn mình, con thấy mình còn quá xa vời với tinh thần của Chúa. Tâm hồn không thanh sạch vì trong con còn những kèn cựa thấp cao, những thành kiến, những ác ý. Cuộc sống con còn thiếu bác ái với anh chị em trong tư tưởng, lời nói cũng như hành động, con vội vã khi đánh giá về người khác. Con xin Chúa thứ tha và thanh tẩy cho tâm hồn con được sạch. Xin cho con được sáng suốt, đừng tìm cách chải chuốt, tô màu cho vẻ bề ngoài, nhưng biết trang điểm tâm hồn mình bằng những nhân đức và các việc làm bác ái. Xin cho con biết mạnh dạn, dám lội ngược dòng để sống tinh thần Tin mừng của Chúa. Và xin đổ đầy tình yêu Chúa vào trong tim con để con biết yêu thương anh em bằng tình yêu của Chúa. Amen.


Nt. M.Corinne Như Ngọc, SPP

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

PHẢI LÀM ĐIỀU NÀY MÀ KHÔNG ĐƯỢC BỎ QUA ĐIỀU KIA.


LỜI CHÚA: Lc 11, 42-46

Khi ấy, Đức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà sao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Phải làm các điều này mà không được bỏ qua các điều kia. Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”
Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” Ðức Giêsu nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay tiếp nối bài Tin Mừng hôm qua, Chúa trách những nhà biệt phái và những tiến sĩ luật một cách nặng lời. không chỉ một mà tới bốn lần.“Khốn cho các người”. Lời quở trách này không phải Chúa Giêsu ghét bỏ họ mà Ngài buồn giận vì họ cứng lòng. Ngài quở trách nhằm để họ thấy lỗi lầm, sai trái mà sửa đổi.
Khốn thứ nhất: Sống bề ngoài, họ quá quan tâm đến cái sạch dơ bên ngoài mà không quan tâm đến cái bên trong là tâm hồn. Họ dễ dàng phê phán những người không giữ luật như họ. Họ cho rằng bản thân họ là tốt vì họ chu toàn lề luật.
Chúa Giêsu muốn họ có một tâm hồn sạch đẹp. Đó là một tâm hồn trung tín và trung thành, làm mọi việc xuất phát từ con tim biết yêu thương.
Khốn thứ hai: Họ để ý những việc nộp thuế nhỏ nhặt bên ngoài “rau húng, thì là…”mà lại bỏ qua lòng nhân, công bình và lòng thành tín.
Khốn thứ ba về lòng háo danh: Thích được ngồi ghế đầu trong hội đường và thích được chào hỏi nơi công cộng.Nghĩa làm tìm kiếm danh dự, tiếng khen nơi người khác.
Khốn thứ tư về lòng ích kỷ, quyền lực. “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính họ, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

Chúng ta đọc, nghe và suy gẫm lại bài Tin Mừng này phần nào giúp chúng ta nhìn lại bản thân và sám hối. Vì ít nhiều khi soi lại bản thân chúng ta cũng thấy có mình trong đó.
Trong cuộc sống biết bao lần chúng ta quan tâm đến những thành công trong công việc, tìm thành tích cho mình mà quên đi bao vất vả của người khác. “Của người phúc ta”, bao công lao của người khác lấy làm kết quả cho chính mình. Chạy theo cấp trên coi thường đồng nghiệp.
Thích được khen ngợi mà đánh mất chính mình, bắt người khác phục vụ, lệ thuộc mình. Tìm phe nhóm để bảo vệ cho lập trường của mình. Dùng sứ mạng như là quyền hành để áp đặt người khác làm theo ý của mình mà thiếu lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác.

Lời Chúa hôm nay như một lời cảnh tỉnh cho chính tôi và bạn. Qua mọi thời tình yêu thương, lòng bác ái được thể hiện qua lối sống và cách tương giao vẫn được đánh giá cao hơn so với những bóng hình bên ngoài.
Việc làm có giá trị gấp ngàn lần những lời nói xuông, Vì vậy, trong từng lời nói, hành vi và cử, tôi phải thực hiện với con để thay đổi chính mình hơn, yêu thương nhiều hơn, lắng nghe chân thành và nói lời tốt lành. Gương sáng mới là tấm gương phản chiếu trung thực, gương mờ đi thì không mang lại ích lợi gì.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa,
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ. (Raboni)


M. Prudence, SPP