Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

ĐỨC GIÊSU HOÀN TẤT LỀ LUẬT



TIN MỪNG(Mt 5, 17-19)

        17 “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.
Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.

SUY NIỆM 
Đức Ki-tô đến là để cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10); thế mà con người không thể sống mà không có Lề Luật: Lề Luật cần thiết cho sự sống con người, nhưng cũng có thể gây ra bầu khí chết chóc và chính sự chết, khi trở thành phương tiện, thậm chí “vũ khí” của Sự Dữ. Vì thế, Đức Ki-tô không thể nào không có lập trường đối với Lề Luật.
Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.
(c. 17)
Cái chết của Ngài trên Thập Giá, cũng là một cái chết được mệnh danh là công lí của Lề Luật. Nhưng chính khi Ngài để cho con người lên án Ngài nhân danh Lề Luật, Ngài mặc khải cho loài người chúng ta vấn đề lớn nhất của Lề Luật và khuôn mặt thật của Sự Dữ : Luật một khi bị cắt đứt khỏi nguồn gốc và cùng đích, sẽ trở thành phương tiện hại người; Sự Dữ dùng điều tốt là Lề Luật để thực hiện ý xấu (x. Rm 7, 13).

Tại sao phải hoàn tất Lề luật? Bởi vì một đàng con người không thể sống mà không có Lề Luật, nhưng đàng khác, con người lại “khổ sở” vì Lề Luật!
Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Luật Lề khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”. Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi.
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ?
Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con.
(Tv 19, 13)
Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình. Như thế, hoàn tất không phải là bổ túc thêm, làm cho hoàn chỉnh luật đã có, cũng không phải đưa ra một bộ luật mới đòi hỏi tận căn hơn, nhưng là đẩy luật đi đến cùng đích của nó và để đi đến cùng, phải khởi đi từ đầu.
Hoàn tất lề luật theo Đức Kitô
không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức theo chữ viết,
nhưng là một chuyển động của Thần Khí
vượt qua Lề Luật, từ khởi đầu đến cùng đích. (
Trích SN Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

LỜI NGUYỆN


Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa là bộ luật hoàn thiện nhất Chúa Cha ban cho con. Đó là bộ luật của yêu thương. Yêu đến cùng. Xin cho con biết Yêu như Chúa. Amen

Nt,  M.Prudence, SPP

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

SÁM HỐI HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC TIN VÀ YÊU THƯƠNG


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1-9)

          Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".

  SUY NIỆM

          "Nếu anh em không ăn năn sám hối, anh em cũng sẽ chết hết y như vậy" (Lc13,3)
  Câu này được lặp lại 2 lần trong bài Tin Mừng, cho thấy tầm quan trọng và khẩn thiết của việc ăn năn sám hối.
 Tội lỗi chính là thái độ của con người quay lưng với Thiên Chúa. Tội lỗi cắt đứt tương quan chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Từ chối ơn huệ sự sống, ơn huệ làm con…Con người tự quyết định đời mình: từ ánh sáng đi vào trong bóng tối, thay vì từ bóng tối ra ánh sáng, nên con người phải chịu trách nhiệm về sự chọn lựa này.
 Hành vi tội lỗi của tôi đã ảnh hưởng tới chính tình trạng của tôi. Vì vậy tôi phải tha thiết cầu xin Chúa ban ơn để tôi ý thức mình là tội nhân, đồng thời ban ơn sám hối để tôi can đảm đứng dậy trở về.
          Trở về để nhận ra: tôi phản bội và chống lại Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, đứng dậy cất bước trở về là một hành trình của đức tin và của yêu thương. Đòi ta phải có lòng khao khát, phải cầu xin và phải chiến đấu với ơn Chúa, cả hai hành vi đức tin và yêu thương cần được thể hiện bằng hành đồng cụ thể.
 Hoán cải còn là hành vi hết sức tự do của con người, thể hiện lòng mến yêu Thiên Chúa và thiện chí muốn cộng tác với Tình yêu của Ngài.

         Một trong những phương thế để sám hối là xét mình hằng ngày. Đây là bổn phận hằng ngày được coi như là hanh vi thờ phượng của đời sống chúng ta. nếu lôi thôi trong việc xét mình là bắt đầu có sự tắt nghẽn trong đời sống thiêng liêng. Hãy xét mình kĩ càng, xét mình sáng suốt, xét mình chân thành và can đảm. xét mình mỗi tối trước khi kết thúc ngày sống, xét mình mỗi tuần, mỗi lần xưng tội, mỗi lần tĩnh tâm... Đừng khinh dể những chuyện nhỏ mọn, không cần làm những việc lớn lao, những con sâu nhỏ có thể làm tan nát cả cánh đồng xanh tươi thơm ngát trong một đêm.

 Không nhận thấy mình có khuyết điểm, thiếu sót đó là một thiếu sót lớn, chính là hiện tượng giảm thiểu các hy sinh, khéo léo trốn tránh  trách nhiệm, hành động vì lý do trần tục, so đo, phân bì, lánh nặng tìm nhẹ, thái độ cầu an - ích kỷ.
          Ăn năn sám hối của ta không phải là hát bội, khóc lóc não lòng kết thúc, hết tuồng, hạ màn… đâu lại vào đấy.
 Kiểm điểm là một hành trình mở ra giúp ta phải sống như thế nào? Với căn tính của mình, căn tính làm con Thiên Chúa, căn tính của người được “tuyển chọn và yêu thương”.

·        Hãy như Phê-rô thấy được ánh mắt của Thầy… nhớ lại điều Thầy đã nói với mình…ông ra ngoài và khóc lóc. Còn tôi thì sao?
·        Hãy như Mađalêna ngồi bên chân Chúa, với dòng nước mắt sám hối và yêu mến dám đập bể cuộc đời như đập vỡ bình bạch ngọc và lấy chút dầu của tấm lòng tan nát mà lau Chân Chúa. Còn tôi thì sao?
·         Hãy như Giakêu, chấp nhận tiếng dèm pha của bao người để treo lên cây cao để thấy cho được Đức Giêsu, để khi được Ngài mời gọi “tụt xuống”. Ông dám đánh đổi cuộc đời mình. Ông sẵn lòng chia sẻ phân nửa tài sản của mình cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những ai ông đã cưỡng đoạt.Còn tôi thì sao?
·        hãy như tông đồ như Phaolô xác tín cách mạnh mẽ: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Chúa KITÔ, tôi cho là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Chúa GIÊSU KITÔ và được kết hiệp với Người (Phl 3,7-8). Còn tôi thì sao?


LỜI NGUYỆN

Lạy Cha, chúng con xin cảm tạ Cha đã gieo trồng cuộc đời chúng con trong vườn nho Giáo Hội qua bí tích Rửa Tội. Cha đã cho chúng con cảm nghiệm được tình thương biệt đãi nhưng không của Cha trong ơn gọi làm người, và nhất là chúng con được nên bạn nghĩa thiết với Chúa Giêsu con Cha. Xin cho chúng con luôn sống gắn bó mật thiết Ngài. Bằng sám hối và canh tân đời sống hầu chúng con được đổi mới trong tình yêu của Cha nhờ kết hợp với Chúa Giêsu trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Amen.

Nt. Angéla Nguyễn Thị Quyên, SPP

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC THA THỨ VÀ ĐỔI MỚI


 TIN MỪNG Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1-9)

          Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".
SUY NIỆM                               
          "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy.
Điều kiện tiên quyết để thôi thúc chúng ta sám hối, trở về với Chúa, đó là nhận ra ơn huệ yêu thương nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Từ đó chúng ta nhận ra sự bất toàn, sai lầm và lệch lạc của chúng ta. Nhận ra lỗi lầm của mình không phải là chuyện dễ dàng. Nếu chúng ta không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa bao bọc cuộc đời chúng ta.
Trước tiên chúng ta luôn cần lắng nghe lời nhắc nhở sống động đến từ Thiên Chúa qua bàn tiệc lời Chúa và Thánh Thể, qua đời sống cầu nguyện, qua đời sống cộng đoàn với chị em, qua biến cố hoặc qua những trải nghiệm trong đời sống sứ mạng phục vụ.
Kinh nghiệm của thánh Phêrô, lẽ ra ngay khi chối Chúa lần thứ nhất, ông đã có thể nhận ra lỗi của mình. Nhưng mãi khi gà gáy, và khi ông bắt gặp được cái nhìn của Chúa Giêsu, ông mới nhận ra lỗi của mình. Tự nhiên ai cũng lưu luyến tội lỗi, dễ dàng hành động theo khuynh hướng của mình. Do đó chúng ta thường có nhiều lý do để biện hộ, có đủ cách để chứng tỏ mình có lý, chúng ta còn tìm cách che đậy, bào chữa coi như những thiếu sót ấy không có gì là quan trọng. Chúng ta tìm cách ngụy biện để có thể ở lại trong tội, không dứt khoát với lối sống quen thuộc của mình.
          Trước những biến cố xảy ra, những người đương thời với Chúa Giêsu bị chấn động, nhưng họ không coi việc ấy liên quan đến mình, cái chết của những người bị Philatô giết, và tai nạn bị tháp Silôe đè chết 18 người Galilê có lẽ đã không tác động lên não trạng bảo thủ của họ. Họ vẫn dửng dưng với sự việc, họ cho rằng nạn nhân của hai tai nạn trên là những người có tội hoặc những người đáng bị như thế.
          Mỗi người chúng ta cũng mang trong mình tâm trạng của những người Do Thái. Ta luôn có lý do để che lấp tội của mình, và chỉ thấy khuyết điểm và tội của người khác mới đáng trách. Chúng ta không can đảm nhận lỗi của mình nhưng ngược lại, rất dễ dàng phê phán và chỉ trích người khác. Chúng ta bị mù quáng trong tội, nhưng thật đáng thương khi chúng ta không nhận ra mình đang bị mù quáng.
          Sách Đường Hy Vọng dạy: Người có chí khí không tục mạch dòm ngó việc người khác nhưng đem tất cả ý chí để biết mình rõ hơn (ĐHV/205).
 Hiểm họa của những người hay ảo tưởng về sự thánh thiện của mình, chỉ lo xét người khác thay vì xét mình. Hay chỉ biết cầu xin Chúa cho anh chị em mình được ơn biến đổi nhưng lại không xin Chúa biến đổi chính tôi? Nên trong thư thứ I gởi giáo đoàn Corinto, Thánh Phao-lô đã cảnh cáo: "Ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã." (1Cr10,12).

          Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta nhưng không nuông chiều theo ý ta chúng ta. Ngài sẵn sàng tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta ý thức mình là tội nhân. Tha thứ chỉ có ý nghĩa khi có tội lỗi. Thiên Chúa tha thứ không có nghĩa Ngài làm ngơ trước tội lỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa giúp ta nhận ra ta là tội nhân và để ban cho chúng ta ơn tha thứ khi chúng ta thật lòng thay đổi đời sống. Thánh Gioan viết: "Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha thứ mọi điều bất chính cho chúng ta" (1Ga1,8-9).

LỜI NGUYỆN    
Lạy Chúa, cậy vào lòng thương xót của Chúa, xin Chúa ban cho con ơn sám hối, trở về với Chúa, biết khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình. Xin Chúa cho con biết thay đổi cái nhìn về những người mình không ưa không thích, và xin Chúa cũng thay đổi sự cứng cỏi của lòng trí con và ban cho con luôn biết mềm dẻo lắng nghe Lời Chúa sống và thực hành Lời của Ngài.Amen


 Nt. Tê-rê-sa Ngọc Yến, SPP

SÁM HỐI



SUY NIỆM
Tin Mừng Chúa Nhật thứ III Mùa Chay trình bày cho chúng ta một chủ đề lớn đó là SÁM HỐI.
Tin Mừng hôm nay xem ra nghiêm khắc như đang cảnh tỉnh mỗi người chúng ta. “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Tin Mừng thuật lại, Đức Giê-su nghe một số người đến kể chuyện những người Ga-li-lê dâng của lễ trong đền thờ, thì bị Phi-la-tô đến giết, khiến máu hòa với lễ vật họ đang dâng. Các ông ấy đặt câu hỏi, họ đã mắc tội gì mà phải chịu như vậy. Cũng thế, những người đang xây tháp Si-lô-ác thì thình lình bị sập đổ khiến mười tám người bị chết, các ông cho rằng họ mắc tội nặng lắm nên mới bị họa báo như vậy. Chúa Giê-su không có suy nghĩ như họ, Chúa trả lời họ bằng một câu khiến họ phải “xanh mặt”, “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Những chuyện xảy ra đó là vì lòng ganh ghét của tổng trấn phi-la-tô, và vì tai nạn trong khi xây dựng, như chúng ta vẫn thường nghe nơi này nơi khác, chúng ta có chắc là chúng ta tốt hơn họ?.
Câu chuyện Tin Mừng ấy có đụng chạm chút nào đến cuộc sống của chúng ta không?
          Tai nạn thường hay xảy ra nơi này nơi khác, nhất là trong thời buổi hôm nay. Những biến cố như vậy là cơ hội để chúng ta sám hối, vì ai trong chúng ta cũng có tội. Mùa Chay Giáo hội mời gọi Ăn Chay - Cầu Nguyện, làm việc bác ái đồng thời Sám Hối những tội lỗi của mình, mỗi người cần có một khoảng trống của tâm hồn để trở về với chính mình, nhìn nhận những thiếu sót có khi là những tội lỗi mình đã làm trong vai trò và bổn phận của mình là những người cha, người mẹ, người con trong gia đình, người bạn bè, đồng nghiệp…công dân trong một đất nước…
Nhìn lại để thấy rằng, có lẽ chúng ta cũng mắc phải căn bệnh “biệt phái”, chỉ thấy những sai phạm của người khác mà không nhận ra tội lỗi của mình, tự hào tôi ăn chay, bố thí, làm việc lành phúc đức nhiều mà khinh chê người có tội. Có khi nào chúng ta tự hào tôi lành thánh nên Chúa còn thương tôi, khi đứng trước một tai nạn thảm thưởng xảy ra trước mắt chúng ta?
Trong mùa chay này, xin Chúa cho chúng ta có đời sống sám hối thật sự, biết từ bỏ những tiện nghi, thoải mái, những sở thích vô ích, biết mở rộng lòng ra đón nhận lòng xót thương của Chúa. Chọn cho mình con đường hẹp của Tin Mừng, quy định cụ thể, khiến chúng ta bỏ đi những sở thích tự nhiên không hợp với đời sống Dức Tin của chúng ta. Sửa lại những câu nói, những ý tưởng không hợp với Tin Mừng của Lòng Thương Xót.
Chúng ta cùng đọc đoạn Tin Mừng nư một lời cảnh tỉnh để ta luôn tỉnh thức và sám hối
TIN MỪNG Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 13, 1-9)

          Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy". Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, như cậy vả lâu năm không ra trái, cuộc sống của con lâu nay chưa trổ sinh hoa thơm trái tốt cho mọi người, trong Mùa Chay Thánh nay xin cho con quyết tâm làm lại cuộc đời mới, bằng thái độ sám hối thật lòng, sẵn sàng trở về đón nhận lòng thương xót của Chúa và thi hành lòng thương xót với tha nhân. Amen


Nt Mr.Barthélémy Huỳnh Thị Ánh Tuyết, SPP

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

TÌNH CỦA CHA VÀ HAI NGƯỜI CON


TIN MỪNG:: (Lc 15, 1-3. 11-32)


SUY NIỆM
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm mất mát và tìm lạ được. Giá trị mất mát cảng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng.

Chúng ta hãy nhìn ngắm ba cha con, đặc biệt là con thứ. Hẳn cha yêu anh đặc biệt. Về người con lớn trình thuật lúc này chưa nói gì về anh.
Chúng ta hãy nghe anh nói với Cha và quan sát việc anh làm, để cảm được sự nghiêm trọng của lời anh nói với cha và hành động của anh : cha chưa chết mà đã đòi chia gia tài ! Và hành động của anh là có kế hoạch : bước một, xin chia gia tài ; bước hai, để đó ít ngày ; và bước ba, ôm gia tài đi xa. Vậy là, bao nhiêu ơn huệ cha ban anh quên hết ; tình yêu của cha và chính con người cha, anh cũng quên luôn ; anh chỉ tìm cách thỏa mãn lòng ham muốn của mình mà thôi. Chúng ta có thể nhận ra nơi anh, bản chất của Tội, được mặc khải bởi sách Sáng Thế : quên ơn huệ, quên Đấng ban ơn huệ và chiều theo lòng ham muốn của mình ; ở đây là ham muốn có, ham muốn sở hữu, chiếm hữu bất chấp tương quan con thảo với cha. Chiều theo lòng ham muốn, anh sẽ đánh mất chính điều anh tìm cách chiếm hữu và đánh mất luôn tất cả, tất cả ; tất cả trong đó có chính anh !
Hãy chiêm ngắm người cha, một người cha lạ lùng, vì có tình yêu của mẹ hiền[1] : cha chẳng nói gì, cũng chẳng tìm cách giữ chân anh, cha chiều theo ý muốn của anh. Tại sao vậy ? Cha chẳng nói gì, nhưng trong lòng cha có nhiều « chuyển động nội tâm », nhiều cảm xúc, hẳn là quặn đau, nhưng cũng thương cảm. Chúng ta có bao giờ đặt mình vào tâm tình của cha mẹ chưa, của những người có trách nhiệm chưa, và của chính Chúa chưa ?

Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát thái độ và cử chỉ của người con lớn. Anh làm việc chăm chỉ tận tụy vất vả, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, lòng anh đầy bất ổn, ấm ức và bực tức : anh là con, nhưng lại sống như người tôi tớ, sống tương quan chủ tớ với cha ; anh ghen tức với em, không nhìn nhận em, muốn loại trừ em, thay vì nhìn nhận con của cha là em mình, thay vì chúc mừng em « đã chết, nay sống lại », « đã mất, này tìm thấy », « đã không xứng là con, nay được cha phục hồi ». Bản chất của tội mà St 2-3 diễn tả cũng hoành hành ở trong anh nặng nề không kém, và còn hơn nơi người em. Như thế, lòng anh cũng « xa » cha không kém : anh là con nhưng anh tự coi mình là tôi tớ có nhiệm vụ « hầu hạ »  và vâng lệnh cha tuyệt đối ; anh nhìn cha như ông chủ ; vì thế đòi trả công và ghen tị với em : anh so sánh rất « cụ thể và chính xác » : dê con (c. 29), bê béo (c. 30) ; anh nổi giận, không chịu vào nhà, nhà của cha, nhà của anh.
Người con này đã trở về nhà, nhưng người con kia lại lựa chọn đứng ở bên ngoài. Tương quan giữa hai anh em tượng trưng cho tương quan giữa chúng ta. Tương quan này có vấn đề vì tương quan gốc có vấn đề, nghĩa là tương quan của từng người con với người cha. Vì vậy, người cha đã kiên nhẫn nhắc lại ân huệ cha dành cho anh, vượt xa vô hạn nhưng gì anh « thèm muốn » : « Con ơi, con của cha, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con » ; sau đó cha mới mời gọi anh nhìn nhận em mình, vui với em, với cha và với cả nhà : « Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (c. 31-32)
Cha muốn trao ban hết, nhưng những người con của cha lại tính toán : chia chắc, tính công, so đo…. Cha vẫn còn đau khổ chờ đợi, vì người con lớn vẫn chưa trả lời. Và có lẽ, lời nói mà Cha chờ đợi nơi anh là : « tất cả những gì của con là của Cha ». Còn về người con thứ, Cha vẫn sẽ kiên nhẫn đồng hành với hành trình « tái sinh », chắc chắn là lâu dài và không dễ dàng của người con út. Và với chúng ta cũng vậy, Cha vẫn đợi, vẫn kiên nhẫn và bao dung đợi từng người chúng ta.
Dụ ngôn nói về tương quan của từng người chúng ta với Chúa, và tương quan của chúng ta với nhau, tương quan nào cũng bị tổn thương, sứt mẻ, cần được hàn gán, phục hồi, hòa giải. Đó chính là sứ mạng của Đức Giê-su, Ngài lấy lời, hành động và chính thân mình để hòa giải từng người chúng ta với Chúa Cha, và từng người chúng ta với nhau.(Trích SN của Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

LỜI NGUYỆN :
Lạy Cha, qua dụ ngôn “người cha và hai người con”, Chúa Giêsu đã cho chúng con thấy lòng nhân hậu và Ân sủng của Cha thật lớn lao rộng rãi hơn nhiều so với suy nghĩ hạn hẹp của con người. Xin cho con biết tin tưởng quay về với Cha mỗi khi sa ngã vì yếu đuối. Xin Cha dạy con biết noi theo lòng nhân hậu của Cha, quảng đại tha thứ và đón nhận anh chị em con. Amen.

M.PRUDENCE, SPP




Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

ƠN HUỆ VÀ TỘI ÁC




SUY NIỆM: Câu chuyện của sách Sáng Thế: Giuse bị bán sang Ai Cập nguyên nhân rất đời thường: ghen tỵ. Vì ghen tỵ với Giuse nên anh em đã nghi ngờ về tinh thương của người cha, ghét bỏ người em, đã xảy ra bất hòa trong gia đình. Vì ghen tỵ nên đã phát sinh lòng độc ác và đi đến giết đứa em cùng giọt máu với mình… Cuối cùng của câu chuyện, còn chút tình thương của Rưu-ven, Giuse được cứu và đã bị bán sang Ai Cập... Với Giuse, ông không thù oán anh em mà ông đã nhận ra ý định quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời của ông và cả gia đình. Nhờ biến cố đau thương đó, ông và gia đình được cứu, một dân tộc được giải thoát.
Trở về với bài Tin Mừng, ta thấy câu chuyện về cuộc đời Giuse trong sách Sáng Thế (ST 37, 3-4.12-13.17b-28) là hình ảnh tiên trưng cho câu chuyện Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu  là Con một yêu dấu của Chúa Cha được sai đến trần gian để cứu nhân loại, nhưng cũng chỉ vì ghen tỵ sợ mất ảnh hưởng, quyền lợi… nên Ngài đã bị giết và chịu treo  trên thập giá và chết như một tên tử tội.
Xét theo cái nhìn nhân loại “ác giả thì ác báo”. Còn Thiên Chúa, Ngài là Tình yêu. Chúa Giêsu khẳng định: “Viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên viên đá góc tường”. Tình yêu Thiên Chúa mạnh hơn, lớn hơn tội ác của con người.
Trong cuộc sống hôm nay, xem ra sức mạnh của tội ác đang hoành hành khắp hang cùng ngõ hẻm của đời sống chúng ta. Có khi chúng ta rất bức xúc, ưu tư, nặng lòng suy nghĩ về một biến cố xảy ra trong gia đình, trong cộng đoàn, ngoài xã hội về những chuyện bất công, vô lý xảy ra. Người hiền lành phải chết cách tất tưởi, người thấp cổ bé miệng phải chịu những cảnh oan khiên, cay nghiệt của những người có quyền, có địa vị…nhất là trong gia đình, người vợ yếu ớt, chân yếu tay mềm phải chiu cảnh hành hung, đánh đập bởi người chồng say sỉn, thiếu tình người, thiếu trách nhiệm của một người cha, người chồng… bao nhiêu cảnh sống chúng ta chứng kiến làm cho chúng ta bức xúc. Có lúc làm cho chúng ta thất vọng có khi đến nghi ngờ và hỏi: Chúa ơi, Chúa ở đâu? ...Thiên Chúa vẫn im lặng.
Nơi Mầu nhiệm thập giá, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm trong chiều sâu tâm hồn. Nơi đó, sẽ là câu trả lời hoàn hảo nhất cho tôi và cho bạn. Tại sao Chúa Giêsu đã chết?  tội ác đã chiến thắng?
Câu chuyện ông Giuse và dụ ngôn của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử loài người và lịch sử của từng người chúng ta, dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô ; đọc lại như thế, không phải để nhận ra « công trình » của Tội và Sự Dữ, vốn làm cho chúng ta mặc cảm, sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng là nhận ra « CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA ». Và công trình của Thiên Chúa thì khác hẳn với công trình của con người, với lối suy nghĩ của con người. Thật vậy :
a. Tội và sự dữ không làm thất bại thất bại kế hoạch sáng tạo và cứu độ (x. Dụ ngôn Người Gieo Giống trong Mc 4, 1-9), vì Thiên Chúa chiến thắng sự chết, vốn là hành động sau cùng của Tội và Sự Dữ : “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
b. Hơn nữa, Thiên Chúa dùng chính sự dữ, để cho đi tới cùng, để bày tỏ sự hiền lành tuyệt đối, và đó chính là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa (sự hiền lành của ông chủ vườn nho).
c. Vẫn chưa hết, đó là cách Thiên Chúa vừa tha thứ cho chúng ta, và vừa giải thoát chúng ta khỏi tội và sự dữ. Bằng cách bảy tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt thật của sự dữ (chữa bệnh phải thấy được nguyên nhân), khi để cho sự dữ đi tới cùng ; và nhận ra sự dữ có mặt ở khắp nơi trong chúng ta và giữa chúng ta. Thấy Sự Dữ, chúng ta được chữa lành rồi, vì Sự Dữ không “tương hợp” với chúng ta, vốn được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện. Vì thế, ngay cả kẻ dữ, khi làm điều dữ, cũng phải che đậy, phủ lên một lớp vỏ tốt đẹp. Và điều này được thể hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thương Khó.
Nhưng không phải để « ác giả ác báo », nhưng để nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa vô biên vô tận ; và chính tình yêu và lòng thương xót vô biên vô tận, chứ không phải nỗ lực « đền tội và canh tân » của chúng ta, biến đổi con tim chúng ta và khơi dậy tâm tình biết ơn và lòng cảm mến ; chính sức mạnh tình yêu Thiên Chúa cuốn hút và lòng ước ao ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, ước ao để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu và lôi cuốn, sẽ lôi chúng ta ra khỏi sức hút của sự dữ.
Đó chính là công trình kỳ diệu, là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, khác hẳn với sức mạnh và khôn ngoan của con người, luôn rạng ngời trong trong lịch sử cứu độ và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, từ ơn huệ sáng tạo đầy thách đố đến ơn huệ sáng tạo đầy ánh sáng, niềm vui và sự sống, trong Chúa và cùng nhau
Dĩ nhiên, vẫn còn một lời của Đức Giêsu dành cho những người nghe Ngài:
Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.(c. 43)
Nhưng thực ra đó lại là một phần của bản án mà chính họ tự ra cho mình (c. 41), hay nói cách khác, họ tự biến mình thành bất xứng, họ lựa chọn bạo lực và sự dữ thì họ sẽ thuộc về bạo lực và sự dữ; mà bạo lực và sự dữ là hủy diệt, là sự chết, là hư vô.
chúng ta được mời gọi đọc lại mời gọi đọc lai bài Tin Mừng, nhưng chúng ta có thể đọc lại một câu ngắn nhưng được xem là điểm tới của chúng ta.:
TIN MỪNG:(Mt 21, 42-43)
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.”
43 “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

LỜI NGUYỆN:
Lạy, Chúa xin cho con biết chọn lựa điều đẹp ý Ngài để con thực hiện với lòng biết ơn và với tâm hồn muốn phục vụ vì yêu mến.Amen.

 M.Prudence, SPP


Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

NGƯỜI GIÀU- NGƯỜI NGHÈO THẬT


 SUY NIỆM
          Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay tôi cảm thấy bị đánh động nhiều bởi thái độ của người Phú Hộ, từ trước đến nay tôi chẳng quý trọng của ăn, chẳng xem cơm gạo là quý giá là quan trọng, cái gì ăn không hết thì đem bỏ, mà quên rằng những người nghèo, những em bé mồ côi… họ đang vất vả tìm kiếm miếng ăn từng ngày, có được một chút là đã quý, đã mừng lắm rồi. Trải qua những thăng trầm, giờ thì tôi thấy tôi cũng là người nghèo đói và tôi đồng cảm với họ hơn.
          Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều lúc chúng ta là hiện thân người Phú Hộ keo kiệt,vô tâm…, nhưng cũng có khi chúng ta là anh Lazarô nghèo khổ, bất hạnh, ghẻ chóc đầy mình... Chúng ta sống trong giàu sang nhiều của cải vật chất nhưng xét kỹ chúng ta có thật sự giàu có không?! chúng ta có nhiều tiền, vậy chúng ta có mua được Thời Gian hay không? chúng ta có nhiều tiền, chúng ta có mua được Tri Thức, chúng ta có mua được Sức Khỏe hay một niềm vui, sự bình an và hạnh phúc hay không? Và câu trả lời chắc rằng là không! Chúng ta giàu có, nhiều tiền đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn không thể nào mua được những thứ đó. Nhiều lúc chúng ta cũng không thể cười nỗi dù chỉ một nụ cười thôi. Nhưng nếu chúng ta biết quan tâm đến những người nghèo khổ chung quanh chúng ta và sống quảng đại với họ thì chính những người nghèo khổ đó sẽ cho chúng ta tất cả những thứ mà chúng ta không thể dùng tiền mua được.Vì thế, đã có một nhận định người nghèo là ân nhân của chúng ta.
          Trong năm thánh Lòng Thương Xót này, Hội Thánh mời gọi mỗi người chúng ta đến với những người cùng khổ, bất hạnh… để đem lòng thương xót Chúa đến với họ, vì chỉ có lòng quảng đại thì lòng thương xót Chúa mới có thể chạm đến họ được. Hôm nay tôi và bạn cũng được mời gọi đến và chia sẻ với người nghèo dù chỉ một lời an ủi, nụ cười yêu thương, cảm thông… và họ sẽ cho chúng ta  nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
"Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: "Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được".
Người đó lại nói: "Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này". Abraham đáp rằng: "Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài". Người đó thưa: "Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải". Nhưng Abraham bảo người ấy: "Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu".

LỜI NGUYỆN
          Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, xin hãy xót thương mỗi người cúng con và ban cho chúng con biết sống yêu thương, biết quan tâm và sống quảng đại cho nhau, để qua đời sống của mỗi người chúng con mọi người biết được và tin nhận rằng "Thiên Chúa chính là Tình Yêu". Amen.


Nt. M. Ambrosina Huỳnh Thị Kim Tuyến. SPP


Thứ Ba, 23 tháng 2, 2016

CHÉN ĐẮNG VÀ ĐỊA VỊ


SUY NIỆM
Danh –LỢI - THÚ là ba mối lợi con người không ngừng tìm kiếm.
Vì có danh tiếng, địa vị càng cao con người càng có quyền.
Lợi đó là cơ hội để con người thăng quan tiến chức.
Thú là con đường con người tìm kiếm các nhu cầu để thỏa mãn.
Gioan và Gia-cô-bê đi theo Thầy nhiều năm mà vẫn có những tham vọng thống trị. Hai ông dùng những “mánh lới” để đạt được tham vọng của mình.
Nhìn lên Thầy Giêsu chí thánh. Ngài là Thiên Chúa mà “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân” (Phl 2,6-7)
Người mộn đệ của thầy Giêsu chỉ đạt được vinh quang, không phải do tính toán riêng, mà là chấp nhận uống “chén đắng” với Thầy nghĩa là đón lấy đau thương trong đời vì yêu Thầy, sẵn sàng bước đi trên con đường Thầy đã đi để được hiệp thông với Thầy trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Đức Giêsu đã không thất vọng về Gioan và Gia-cô-bê nhưng trong hành trình làm môn đệ, Ngài đã giúp họ trở nên tốt hơn. Cũng vậy Chúa không thất vọng về những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta. Ngài vẫn kiên nhẫn và giúp ta trở nên tốt hơn. Vì vậy, chúng ta cũng đường thất vọng về chính mình, về người thân hay những người sống xung quanh ta… nhưng hãy kiên nhẫn và giúp nhau sống tốt hơn mỗi ngày nhất là trong mùa Chay Thánh của Năm Lòng Thương Xót.
Chúng ta cùng đọc bài Tin Mừng
TIN MỪNG Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, đem riêng mười hai môn đệ đi theo. Dọc đường, Người nói với họ: "Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các vị thượng tế và luật sĩ. Người ta sẽ lên án tử cho Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại để chúng nhạo báng, đánh đòn, rồi treo Người lên thập giá, nhưng đến ngày thứ ba, Người sẽ sống lại".
Bấy giờ bà mẹ các con ông Giêbêđê cùng với hai con đến gặp Người. Bà sấp mình xuống lạy Người, có ý xin Người điều chi đó. Người hỏi: "Bà muốn gì". Bà ta thưa lại: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài". Chúa Giêsu đáp lại: "Các ngươi không biết điều các ngươi xin. Các ngươi có thể uống chén mà ít nữa đây Ta sắp uống chăng?" Họ nói với Người: "Thưa được". Người bảo họ: "Vậy các ngươi sẽ uống chén của Ta, còn việc ngồi bên hữu hay bên tả, thì không thuộc quyền Ta ban, nhưng Cha Ta đã chuẩn bị cho ai, thì người ấy mới được". Nghe vậy, mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em: Chúa Giêsu gọi họ lại mà bảo: "Các con biết thủ lãnh của các dân tộc thì thống trị họ và những người làm lớn thì hành quyền trên họ. Giữa các con thì không được thế. Trong các con, ai muốn làm lớn, thì hãy phục vụ các con, và ai muốn cầm đầu trong các con, thì hãy làm tôi tớ các con. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người".

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa, hạnh phúc Thiên Đàng là một ơn ban đến từ Tình Yêu của Chúa. Vì thế, xin cho con đón nhận cuộc sống hiện tại với tất cả lòng yêu mến.Amen

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

HÀNH ĐỘNG HAY HƠN LỜI NÓI XUÔNG


Lời Chúa:
“ Tất cả những gì họ nói , anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt23,3)

Suy niệm:
          Chúng ta rất dễ phạm sai lầm khi thấy cuộc sống của một người đang hướng dẫn hay cấp trên của ta mà không tốt ta có chiều hướng coi thường hay tỏ ra chống đối họ. Hành động của họ làm cho ta nghĩ rằng: họ là những người không đáng để ta khâm phục và thực hiện lời họ dạy.
         
 Hôm nay Lời Chúa nói rất rõ ràng là ta hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng bắt chước việc họ làm. Vì con người sẽ có nhiều hành động sai trái, để có một hành động đúng đắn, trong sáng chúng ta phải nhìn lên Đấng đã hy sinh cho ta tất cả trên thập giá- Chúa Giêsu Kitô, trong Ngài ta sẽ biết sống và hành động như thế nào cho phù hợp với Tin Mừng.


Cầu nguyện:
          Lạy Chúa! xin cho con luôn biết hành động hơn là lời nói  xuông. Vì hành đông sẽ giúp con thể hiện  theo cách của Chúa đó là sống yêu thương và bao dung hơn với những người bên cạnh con.Amen

    Nt. M. Angéline  Kim Oanh, SPP    


Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

THẦY LÀ ĐỨC KITO - MỘT GIAO ƯỚC



TIN MỪNG (Mt 16, 13-19)
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai? "14 Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ."
15 Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? "16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống."17 Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy."
SUY NIỆM
Trong xã hội, khi làm một hợp đồng các đối tác thường phải tìm hiểu, thương thuyết và đi đến một thỏa hiệp nhất định. Sau cùng là hợp đồng bằng giấy trắng- mực đen. Bản hợp đồng có giá trị khi hai bên cùng ký kết và cùng thực hiện. Bản hợp đồng như là một giao ước giúp hai bên trung thành.
Tin mừng hôm nay cho ta thấy khung cảnh ấm áp đầy ắp tình Thầy trò tại miền Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê, Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ những câu hỏi thâm sâu, liên quan đến ngôi vị và có giá trị suốt cả đời, được xem như là bản  « hợp đồng » trên hành trình theo thầy Giêsu. Hợp đồng chỉ với hai câu hỏi, nhưng Đức Giê-su hỏi các môn đệ câu hỏi liên quan đến chính căn tính của mình : câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? » chuẩn bị cho câu hỏi thứ hai : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? ».
Phê-rô đã đích thân trả lời, không chỉ bằng lời tuyên xưng, nhưng bằng cả cuộc đời đi theo và trở nên một với Người cho đến cùng, nghĩa là trong mầu nhiệm Vượt Qua, chết và phục sinh.
Trước hết chúng ta nghe lại câu hỏi thứ nhất.
1. « Người ta nói Thầy là ai ? »
Đúng là để trả lời câu hỏi của người khác thì rất dễ, chỉ nói lại những gì người khác nói. Các môn đệ trả lời : « Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giê-su ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài như vậy, Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ Đau Khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình.
Câu hỏi thứ hai :
2. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Sau câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? », Ngài hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta : « Còn con, con nói Thầy là ai ? ».
Với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Bởi lẽ, đó là nói lại điều người khác nói về Chúa, đó là những thông tin. Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình thánh Phêrô trả lời, bởi lẽ câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Và sau khi người môn đệ tuyên bố Đức Giê-su là ai đối với mình, Ngài sẽ dẫn các ông đi xa hơn và sâu hơn vào cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ và qua đó, Ngài bày tỏ ngôi vị thần linh và tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa :
Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại (c. 21)
Cũng vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác, không nói theo công thức có sẵn giáo điều, nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, sống và hành động trong điều chính mình tuyên xưng.
Mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa : « còn con, con nói Thầy là ai ? » Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ? như một người đã có kinh nghiệm đụng chạm đến Ngài ?
Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời này có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, Trong thánh ý Thiên Chúa Cha, Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên đá tảng là Phê-rô. nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót của Chúa Xin cho con là viên đá nhỏ góp phần vào ngôi nhà sống động của Giáo hội với lòng xác tín “Thầy là Đức Kitô” trong đời sống dấn thân phục vụ và yêu mến để ước chi lời tuyen tín đó là hợp đồng là giao giúp. Con trúng tín với Chúa hơn trong từng ngày sống của con. Amen.

Nt M. Prudence, SPP