Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

ĐỨC GIÊSU LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG


LỜI CHÚA (Ga 11,1-45)

1 Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Macta và Maria. 2 Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người.  Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang đau nặng." 4 Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."
5 Ðức Giêsu quý mến cô Macta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô. 6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!" 8 Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?" 9 Ðức Giêsu trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao?  Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!" 11 Người nói những lời này, sau đó Người lại bảo họ: "Ladarô, bạn của chúng ta đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." 12 Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại." 13 Ðức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ: "Ladarô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." 16 Ông Tôma, gọi là Ðiđymô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"
17 Khi đến nơi, Ðức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Macta và Maria, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Ðức Giêsu đến, cô Macta liền ra đón Người.  Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. 21 Cô Macta nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." 23 Ðức Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại!" 24 Cô Macta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." 25 Ðức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" 27 Cô Macta đáp: "Thưa Thầy, có.  Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian." 28 Nói xong, cô đi gọi em là Maria, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" 29 Nghe vậy, cô Maria vội đứng lên và đến với Ðức Giêsu. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Macta đã ra đón Người.
31 Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. 32 Khi đến gần Ðức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." 33 Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi: "Các ngươi để xác anh ấy đâu?"  Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." 35 Ðức Giêsu liền khóc. 36 Người Do thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!" 37 Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?" 38 Ðức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ.  Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Ðức Giêsu nói: "Ðem phiến đá này đi."  Cô Macta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." 40 Ðức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" 41 Rồi Người ta đem phiến đá đi.
Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn.  Ðức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!" 45 Trong số những người Do thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Ðức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

SUY NIỆM

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, kinh nghiệm của thất bại, thành công, đau khổ, và hạnh phúc,… Ta gọi đó là kinh nghiệm sống. Nhưng không ai có kinh nghiệm chết. Vì chết chỉ đến một lần và vĩnh viễn. Vì thế, khi nói đến cái chết là nói đến một cái gì đó hụt hẫng, mất mát, chia ly đoạn tuyệt,… mà con người rất sợ hãi.Vậy mà cái chết cứ bám lấy con người.
Đối với chúng ta, người kito hữu, là người tin có sự sống đời đời sau cái chết. Thế mà chúng ta vẫn run, vẫn sợ. Khi đối diện với cái chết của người thân, của bạn bè… chúng ta không khỏi ngậm ngùi rơi lệ.
Tin Mừng hôm nay thuật lại: khi đối diện với cái chết của Lazaro- người được quý mến, Ðức Giêsu cũng đã khóc (câu 35).
Người ta nói: con người sinh ra để chết, dẫu biết thế. Chúng ta vẫn rơi nước mắt, tiếc thương, nhung nhớ. Cụ thể: Trước cái chết của người em là Ladarô. Hai chị em Macta và Maria rất đau buồn. Đến nỗi họ như trách hờn thầy Giêsu: “Nếu Thầy có mặt ở đây, em con đã không chết”. Một đàng trách hờn, trách dỗi Thầy, một đàng họ vẫn xác tín và tin vào Thầy. Nhưng họ không thể ngăn được dòng lệ, không ngăn được tiếng khóc. Nghĩa là cái chết làm cho họ đau xót và mất mát ghê gớm. Ra đón Thầy, Hai chi em càng kể lễ, càng khóc. Đến nỗi “Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến”(câu 33). Cái “thổn thức xao xuyến” chính là cái chạnh lòng của Đấng giàu lòng thương xót. Hiểu được nỗi đau, nỗi mất mát của phận người.
Chính vì thế, Đức Giêsu cảm được nỗi đau của hai chị em Mat-ta và Maria. Nỗi đau của hai chị em cũng chính là nỗi đau của Ngài. Họ đau nhưng họ vẫn sống trong hy vọng. "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." Họ tin vào đời sau, người em của họ cũng sẽ được phục sinh.
Trước sự mất mát quá lớn của con người, Đức Giêsu biết Ngài phải làm gì để tôn vinh Thiên Chúa Cha. Và chính Ngài là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa đến trong thế gian này để mạc khải Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, nguồn sự sống và đem lại sự sống đời đời cho con người và qua đó chính Ngài cũng được tôn vinh khi Ngài cầu xin với Chúa Cha và thực hiện thánh ý của Ngài.
Đức Giêsu khẳng định: Ngài bởi Chúa Cha mà đến. Chính Ngài là sự sống và là sự sống lại. Chính lúc này đây Ngài thể hiện quyền năng của Thiên Chúa trước chứng kiến của bao con người của làng Betania, của hai chị em Mat-ta và Maria. Làm sao diễn tả được niềm vui của ba chị em. Khi tưởng chừng như đã mất tất cả.
Trong cuộc sống, có những nỗi đau ta tưởng như không thể vượt qua và không bào giờ phôi pha. Nhưng ta tin rằng Thiên Chúa luôn hiện diện và can thiệp đúng lúc trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống làm cho niềm vui của ta ý nghĩa hơn. Niềm hạnh phúc của ta viên mãn hơn, khi ta tin và phó thác cho Ngài cách trọn vẹn.
Cuộc sống hôm nay, con người sống như đã chết. Con người đang quay cuồng với văn minh mà không cần đến Thiên Chúa; Họ mong chinh phục thế giới khi loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của họ… càng tìm kiếm, càng chinh phục,… con người càng hụt hẫng, càng vô vọng. Trước một thế giới đầy dẫy bóng tối sự chết: Gian dối, phản bội, bất công, hủy hoại môi trường, chiến tranh đói kém, phá thai, tự tử, ám sát, tai nạn giao thông... Cái chết thân xác phản ánh một cái chết đau thương trong tương quan “ máu chảy ruột mềm”, nhưng cái chết đáng sợ hơn là cái chết của tâm hồn không tình yêu. Vô cảm, buông xuôi, thất vọng và khép kín trong ích kỷ.
Ðức Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Nhờ niềm tin của hai cô chị Mat-ta và Maria mà Đức Giêsu đã trả lại sự sống cho Ladarô. Chính vì thế, đời sống Đức Tin của chúng ta được củng cố, nối kết và lớn lên nhờ gia đình, cộng đoàn và Giáo hội.  Giáo hội giúp ta thực hành đức tin qua đời sống thiêng liêng: Đọc và suy gẫm Lời Chúa, Thánh lễ, các bí tích và cầu nguyện… và đời sống sứ mạng: dấn thân phục vụ, trong âm thầm hy sinh, trung tín và yêu thương. Đó là dây liên kết gắn bó đời sống của chúng ta với Thiên Chúa và thông truyền sự sống và niềm vui cho thế giới.
Qua cái chết của Lazaro. Đức Giêsu muốn bày tỏ Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống, đời này và đời sau. Ngài say mê sự sống của con người. Vì, “Vinh quang Thiên Chúa là hạnh phúc con người”.
Ước gì chúng ta luôn khao khát sự sống khi chúng ta dám sống cho những giá trị tinh thần, giá trị thần linh trong những việc làm nhỏ bé tầm thương những mang nặng ý yêu thương. Ở đâu đó, vẫn còn những tiếng khóc của trẻ em nghèo đói, tiếng rên của người già bị bỏ rơi, đau đớn bệnh tật cần giúp đỡ, có những giọt nước mắt phải lau khô, có những nỗi đau cần  được  xoa dịu và và nỗi cô đơn, trống vắng cần được lấp đầy.






CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Chúa là sự sống lại và là sự sống
xin ban cho con sự sống của Chúa
để con dám sống cho cho sự thật, cho tình yêu.
Đồng thời, qua những dấu chỉ trong cuộc sống,
con cảm nhận được Chúa đang hiện diện trong thế giới.
Xin cho con biết nói về Chúa,
bằng chính hành động
và cuộc sống chứng tá,
 bằng trái tim tràn đầy tình yêu,
 bằng đôi tay luôn giúp đỡ, 
bằng đôi chân không ngại ra đi đến với mọi người. Amen. 

M. Prudence, SPPx

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

CHA TÔI LÀM VIỆC TÔI CŨNG LÀM VIỆC

LỜI CHÚA:(Ga 5,17 và 29)

Ðức Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”
…. Ai đã làm điều lành,
thì sẽ sống lại để được sống;
ai đã làm điều dữ,
thì sẽ sống lại để bị kết án.

SUY NIỆM:

Mở đầu cho bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.”  Như vậy Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, nhưng suốt cuộc đời của Ngài đã làm việc nghĩa là làm theo thánh ý Chúa Cha, thực hiện Thánh ý Chúa Cha trong mọi sự. “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta”
Vậy trong Mùa Chay này, đây là thời gian thuận tiện để tôi chất vấn lại chính mình để sám hối, để trờ về với Chúa trong cõi lòng thâm sâu của mình. Tôi có làm việc theo ý Chúa muốn hay tôi làm theo ý muốn,đam mê phóng túng của tôi mặc cho lương tâm cắn rứt, mặc cho người xung quanh góp ý hay ngăn cản?… Tôi có đến với Chúa trong đời sống cầu nguyện, thánh lễ mỗi ngày? Tôi có sống hiếu thảo, hiền hòa, kính trọng và làm gương sáng cho mọi người?
Tôi lãnh trách nhiệm với những gì tôi làm, tôi sống.  Vì: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án”. Ước mong Chúa cho tôi trí phán đoán để tôi biết phân định điều tốt để tôi làm. Điều xầu để tôi tránh. Theo ý Chúa chứ không phải theo ý tôi.

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự :
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao. (Rabbouni)

M. Prudence Mai Duyên, SPP


Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

ÐỨC GIÊSU LÀM ANH ĐƯỢC LÀNH MẠNH



LỜI CHÚA: Ga 5, 1-16
Nhân dịp lễ của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy lập tức trở nên lành mạnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do thái mới nói với kẻ được lành mạnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người đã làm tôi được lành mạnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!’” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi?’” Nhưng người đã được lành mạnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã trở nên lành mạnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do thái: Ðức Giêsu là người đã làm anh được lành mạnh. Do đó, người Do thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.
SUY NIỆM:
Thời gian của Mùa Chay đã trôi qua hơn nửa chặng đường. Chúng ta đã làm điều gì cho tha nhân. Ít nhất là người thân trong gia đình? Chúng ta đã nổ lực thay đổi cách sống của mình như thế nào?
Một lần nữa, Lời Chúa mời gọi ta hãy sám hối ăn năn tội của mình. Nghĩa là hãy giải bày cho Chúa tình trạng cuộc đời của mình với nhiều bệnh tật cả thể xác và tinh thần, với nhiều thói hư tật xấu mà không ai có thể giúp mình được cả. Chỉ có bản thân mình với ơn Chúa mà thôi. Nếu ta khao khát thay đổi Chúa sẽ ra tay.
 Như người bệnh trong Tin Mừng, đã ba mươi tám năm nhưng anh vẫn kiên  trì nỗ lực…Anh vẫn không bỏ cuộc. Chúa Giêsu thấy được nỗi lòng của Anh. Chúa đã chữa lành cho anh. Và bảo anh đứng dậy vác chõng mà đi. Cái chõng vì bệnh tật mà anh phải đeo bám nó, bây giờ anh đã đứng dậy vác nó và bước đi.
Cuộc đời bệnh tật, ta phải lệ thuộc nhiều thứ, làm cho ta trở nên nặng nề mỏi mệt. Cuộc đời khỏe mạnh, có Chúa mọi sự trở nên nhẹ nhàng thanh thoát.

CẦU NGUYỆN


Lạy Chúa Giêsu, thời gian còn lại của Mùa Chay. Xin cho con biết tin tưởng, cậy trông vào Chúa.  Xin Chúa giúp ta biết buông bỏ con người cũ, con người bệnh tật bởi tội lỗi, và mặc lấy con người mới trong hy sinh, chay tịnh, cầu nguyện và yêu thương, hầu chuẩn bị tâm hồn đón mừng Lễ Vượt Qua. Amen.

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

ĐỨC GIÊSU ÁNH SÁNG TRẦN GIAN.



LỜI CHÚA Gio-an 9, 1-7. 35 - 41

 Khi ấy, Ðức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. (2) Các môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" (3) Ðức Giêsu trả lời: "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.
(4) Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy,khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được.(5) Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian".
(6) Nói xong, Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, (7) rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
 (35) Ðức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh, và khi gặp lại anh, Người hỏi: "Anh có tin vào Con Người không?" (36) Anh đáp: "Thưa Ngài, Ðấng ấy là ai để tôi tin?" (37) Ðức Giêsu trả lời: "Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây". (38) Anh nói: "Thưa Ngài, tôi tin". Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
(39) Ðức Giêsu nói:"Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy,và kẻ xem thấy lại nên đui mù!"
(40) Những người Pharisêu đang đứng ở đó với Ðức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: "Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?" (41) Ðức Giêsu bảo họ:
"Nếu các ông đui mù,thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn!".

Suy niệm:

Sống trong cảnh mù loà là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một con người từ khi mở mắt chào đời đã phải sống trong tăm tối, phải chấp nhận một cuộc đời không thấy ánh sáng, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cũng như cỏ cây! Lúc lớn lên có thể nghe mọi chuyện, có thể sờ mó tất cả, nhưng không thể thể nào hình dung ra được!
Ðức Giêsu đã chữa một người mù từ lúc mới sinh, một người lớn lên trong bóng đêm dầy đặc. Ngài cho anh được thấy ánh mặt trời lần đầu tiên, thấy khuôn mặt của những người thân thuộc. Nhưng quan trọng hơn, anh đã thấy và tin vào Ðức Giêsu, Ðấng là Ánh Sáng của thế gian
Đức tin là ánh sáng soi rọi vào đời sống tâm linh, cho ta thấy được những điều mà người không tin không thấy. Đức tin là ngọn đèn soi cho ta bước đi trên con đường tiến về đời sống vĩnh cửu. Ngọn đèn ấy chỉ đủ sáng cho ta bước từng bước nhỏ. Trong khi bầu trời vẫn tối đen để ta phải phó thác và tin tưởng.
Tin là một thái độ dấn thân. Anh đi ra hồ Silôê rửa theo lời dạy của Chúa Giêsu vì anh tin. Tin không thể không hành động, dấn thân và lên đường theo cách của Chúa muốn.
Tin là một hành trình đầy thử thách và gian khổ. Như chàng thanh niên, đã bước vào một hành trình đức tin đầy cam go. Lúc đầu, Ðức Giêsu chỉ là một người mà anh không rõ. Sau đó, anh dám khẳng định trước mặt mọi người. Ngài là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến. Cuối cùng, anh đã sấp mình để bày tỏ lòng tin vào Ngài. Ðức tin của anh lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.
Anh đành chấp nhận một hành trình đơn độc. Vì tin Chúa anh đành cam chịu sự thờ ơ lãnh đạm của những người thân. Trung thành với niềm tin đã làm trái tim anh rướm máu.
Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi anh phải đối đầu với giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái. Họ mạt sát anh là sinh ra trong tội lỗi. Họ tố cáo Chúa Giêsu đã phạm luật ngày Sabat. Và sau cùng, họ khai trừ anh khỏi hội đường.
Bị khai trừ khỏi hội đường, là hình phạt nặng nề nhục nhã nhất, đối với người Do Thái. Anh mù đã bị gia đình từ bỏ, giờ đây lại bị xã hội loại trừ. Anh trở thành người cô đơn nhất. Và đây cũng là thử thách lớn lao nhất. Nhưng anh đã vững vàng vượt qua. Sự lựa chọn của anh giờ đây là dứt khoát. Anh chấp nhận mất tất cả chỉ để trung thành với niềm tin của mình.
Niềm tin lớn dần với thử thách. Thử thách càng cam go, đức tin càng mạnh mẽ. Ban đầu, anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó, trong muôn ngàn người trên đời, anh nói với mọi người: “Một người tên là Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”. Rồi sau những câu hỏi của đám đông những người xung quanh, những tra vấn của Pharisêu khiến anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhìn nhận rằng: “Ngài thật là vị ngôn sứ”. Sau những sự tra hỏi nhiều lần của giới chức tôn giáo, lại khiến anh thêm xác tín hơn và khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”. Và sau cùng anh đã nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Hành trình đức tin của anh thanh niên mù chính là khuôn mẫu cho hành trình đức tin của chúng ta. Anh đã phải chiến đấu với những bóng tối dày đặc bao phủ đức tin của anh. Anh đã kiên trì, chiến đấu và đã chiến thắng. Anh đã ra khỏi tối tăm, gặp được Chúa Kitô nguồn ánh sáng. Đời anh từ nay tràn ngập niềm vui.

Đâu là bóng tối đang phủ kín đời sống, tôi khiến chưa thoát ra được, để đến với Chúa, đến với tha nhân? Phải chăng vì tôi chưa chấp nhận để cho Chúa bôi nước miếng và đất bùn lên đôi mắt tâm hồn của tôi … hay tôi ngại cách chữa trị dơ bẩn của Chúa, ngại phải đi rửa… bao lâu tôi còn ngại, tôi chưa chấp nhận… thì bấy lâu tôi còn bị mù.
Phải chăng, chỉ vì một lỗi lầm, một yếu điểm nho nhỏ mà tôi được nhắc nhở, được vén mở nhưng vì tự ái, tôi cho là bị xúc phạm hơn là khiêm tốn chấp nhận ra đi để rửa sạch,để sửa đổi, theo ý Chúa muốn.

Phải chăng tôi cũng là người Pha-ri-siêu chỉ biết rình mò, bắt lỗi, phê bình và kết án người khác theo cái nhìn thiện cẩn và ích kỷ của tôi, qua lớp vỏ của người trung thành với luật. Rồi ở mãi trong cách giữ luật và sống luật theo ý riêng tôi.

Biết bao điều trong cuộc sống, Chúa mong muốn tôi nhìn và thấy như: cần giúp đỡ một ai đó, hy sinh một chút thời gian, chấp nhận một sự thật để được chút sửa dạy, một chút thua thiệt trong phục vụ nhưng biết bao lần tôi tránh né. Vì sợ liên lụy, sợ bị coi thường, sợ xấu hổ… Nên tôi cứ sống trong vòng luẩn quẩn của bóng tối lén lút, ích kỷ, ý riêng…nhất là trong cảm xúc của ấu trĩ nhất thời. Tôi không có được bình an nội tâm.
Vì thế, để mắt tâm hồn tôi được nhìn thấy Chúa và bao công trình của Ngài,  tôi phải có đời sống cầu nguyện, sám hối, hoà giải, chia sẻ, cảm thông và yêu thương với mọi người . Xin Chúa Kitô là ánh sáng trần gian dẫn chúng ta đi trọn hành trình đức tin để đến gặp Đấng là ánh sáng đích thực, ánh sáng vĩnh cửu.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, chính Chúa là ánh sáng và là nguồn sống của nhân loại. Chúng con đang bị bóng tối của ganh tỵ, ích kỷ, kiêu ngạo, làm chúng con không thể nhìn thấy sáng Tin Mừng là niềm vui, là sự sáng của chúng con. Xin Chúa đến ban Thánh Thần tình yêu của Ngài, để chúng con vượt qua chính mình, để sống sự thật về mình và đón nhận người khác trong sự thật nhờ ánh sáng Tin Mừng, như Thánh Gioan mời gọi “Những ai sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng” (Ga 3,21). Chúng con cầu xin nhờ Đức Kito Chúa chúng con. Amen.



Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

YÊU HẾT LÒNG


LỜI CHÚA: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có một người trong nhóm Kinh sư tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng:“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

SUY NIỆM:

Bai Tin Mừng ta nghe quen lắm rồi. Có lẽ thuộc lòng nữa là khác. Ta chỉ thuộc chữ của bài Tin Mừng. nhưng để sống sứ điệp của bài Tin Mừng này quả là một hành trình đầy cam go.
 Ta thử định nghĩa Yêu là gì? Mỗi người có mỗi cách định nghĩa khác nhau. Vì mỗi người có cách thể hiện tình yêu khác nhau.
Nhưng có cách định nghĩa này tuy đơn giản nhưng cũng làm cho ta suy nghĩ: Yêu là hy sinh, chết trong lòng một ít. Cách định nghĩa của Mẹ thánh Tê-rê-sa Calcutte cũng chí lý. Tình yêu thật chỉ vươn lên từ Thâp giá. Hai định nghĩ này có chút giống nhau, vì cả hai nhắc đến hy sinh, thâp giá và chết.
Như vậy để yêu ta phải học, phải thực tập và phải thực hành. Khuôn mẫu cho ta bắt chước là chính Chúa Giêsu.
Để bắt chước Chúa Giêsu, ta chăm chỉ và siêng năng đến với Ngài. Không phải đến cho có mặt nhưng là đến với lòng khao khát. Chắc chắn Ngài sẽ chỉ cho ta cách để yêu. Miễn là ta đừng tránh né và biện minh. Nhưng chấp nhận những yếu đuối, lỗi lầm… để cho Ngài cắt tỉa, gọt dũa… ta sẽ nhẹ nhàng, thanh thoát để biết thế nào là mến Chúa yêu người theo cách của Giêsu. Đấng đã hy sinh mạng sống vì ta.



CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết yêu như Chúa. Xin Chúa giúp con. Amen.


 M. Prudence, SPPx

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

LỀ LUẬT


Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Suy niệm:

Để cuộc sống an toàn, xã hội trật tự, con người được bình an … thì từ những tổ chức nhỏ nhất như gia đình đến tổ chức lớn nhất như xã hội hay giáo hội đều phải có những luật lệ. Đặc biệt từng chủ thể con người còn có luật lệ. Đó là luật lương tâm. Đây là “bộ luật” được “mặc định” trong nội tâm nhằm giúp con người làm lành lánh dữ.
Như vậy, lương tâm là “bộ luật” quan trọng nhất mà Thiên Chúa phú ban cho từng con người. Lương tâm là bộ luật duy nhất không bằng chữ viết, nhưng được con người khắc ghi bằng tâm trí và mã hóa bằng hành động. Nếu lương tâm trong sáng, nhạy bén… hành động sẽ đúng đắn từ trong đời sống nhân bản đến đời sống đức tin, nhằm giúp con người thồng nhất đời sống từ lời nói đến việc làm, từ cầu nguyện đến phục vụ.
Khi lương tâm là một bản lề chắc chắn sẽ giúp cho cánh cữa tâm hồn chúng ta đóng, mở đúng lúc và kịp thời nhằm gìn giữ và bảo vệ ngôi nhà chúng ta không bị bão tố sự ác tấn công, không bị khí độc ô nhiễm hủy hoại. Đồng thời giúp ta sống tự do của con cái Chúa. và bác ái với mọi người.

 Cầu Nguyện

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn sống của con, con cảm ơn Chúa, vì Chúa chọn tâm hồn con làm đền thờ của Chúa và Chúa đã khắc ghi trong đền thờ ấy bộ luật tuyệt vời. Đó là lương tâm. Xin Chúa luôn kiện toàn để giúp con luôn nhạy bén và yêu mến mọi luật lệ khác qua giáo hội và xã hội. Amen.

M. Prudence, SPPx



Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA



LỜI CHÚA: Mt 18, 21-35

Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

SUY NIỆM:

Hình ảnh trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay thật đau lòng. Có khi chúng ta ta còn chê ông bạn ấy dại dột. Nhưng đó là hình ảnh của tôi và bạn.
 Trong cuộc sống, chúng ta đối xử với người khác cũng thật bất công, thật ác nghiệt. Đâu là nguyên nhân? Đó là, Vì chúng ta không cảm nhận cách sâu xa chúng ta cũng là tội nhân, chúng ta không cảm nhận được tình yêu tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Biết bao lỗi lầm chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa, đến tha nhân ngay cả bản thân mình nữa. Nhưng Thiên Chúa một mực tha thứ. Ngài tha thứ cách nhưng không, không tính toán, không so đo....
Mùa Chay là thời gian của sám hối, ăn năn và tha thứ. Đây là một cuộc chạy đua ngược dòng. Tất cả phải nổ lực, phải hy sinh và nhất là phải xin ơn Chúa, để Chúa hướng dẫn chúng ta ra khỏi cái tôi ích kỷ, bướng bình và cố chấp… để chúng ta thật sự mở lời và mở lòng với hết mọi người. Nhất là những người ta chưa yêu thương, chưa tha thứ.
Thiên Chúa luôn chờ đợi để yêu thương và tha thứ cho ta. Nếu chúng ta không yêu thương tha thứ cho tha nhân là chính chúng ta chuốc án phạt vào thân. Chúa Giêsu khẳng định: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”



CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là hiện thân của lòng thương xót và tha thứ của Chúa Cha. Chúa đã tha thứ và yêu thương con cách nhưng không. Xin cho con biết sống tha thứ trong cõi lòng, trong trái tim con, chứ đừng bằng đầu môi chót lưới.  Vì nếu con không tha thứ thì con cũng không được thứ tha. Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con. Amen.

M. PRUDENCE, SPPx