Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

CÁC THIÊN THẦN BẢO VỆ TA THEO LỆNH CỦA THIÊN CHÚA


  



TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
  
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta mừng kính các tổng lãnh Thiên Thần là sứ giả và là tôi tớ thi hành Thánh ý Thiên Chúa, … đặc biệt làm trung gian loan truyền sứ mạng của Chúa cho loài người. Các Ngài làm vinh danh Thiên Chúa bằng sự vâng phục. Còn Satan thì bất tuân, chống đối lại Thiên Chúa nên bị đày xuống hỏa ngục là ma quỷ. Đây là câu chuyện hùng vĩ của cuộc chiến giữa"thiện" "ác" . Chiến thắng luôn thuộc về con cái sự sáng, những ai thi hành điều thiện.
Vậy các Thiên Thần là ai? Các Ngài từ đâu đến và nhiệm vụ của các Ngài là gì?
Theo Sách Thánh thì Thiên Chúa đã dựng nên rất đông các tạo vật thiêng liêng vô hình trong đó có các Thiên Thần. Thiên Chúa dựng nên các thiên thần để chầu chực hầu hạ Đức Chúa Trời, giúp đỡ loài người và gìn giữ vũ trụ.
Theo như các lần các Ngài xuất hiện, ta thấy các Ngài là những vị thiêng liêng, tốt lành, quyền phép, mạnh mẽ và mau lẹ. Các Ngài cũng đã từng trải qua cuộc thử thách. Trong cuộc thử thách này có một số đông đã tỏ ra không chịu thần phục Thiên Chúa. Đứng đầu là Luxiphe nên đã bị Thiên Chúa loại bỏ.
Có rất nhiều Thiên Thần nhưng trong sách Thánh nhắc nhiều đến ba Tổng Lãnh Thiên Thần mà Giáo hội mừng kính hôm nay.
       MICAE
Theo sách Khải Huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một cuộc đại chiến. Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe. Micae là thiên thần dũng mãnh. Với khẩu hiệu: “AI BẰNG THIÊN CHÚA”, Ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe. Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (MICAE).
Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Micae, vị thủ lãnh các thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế. Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.
Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.
Không có một ai, một vật nào được phép đứng ngang hàng với Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng. Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự. Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài. Không ai bằng Thiên Chúa.

GRABRIEL
Tên Grabriel có nghĩa là “SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA”.
Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Daniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.
Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan. (Lc 1,1-20)
Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria. Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn ngỡ ngàng hơn. Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người. Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa”(Lc 1,35).
Chúng ta hãy bắt chước Thiên Thần Grabriel luôn đem niềm vui đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Đồng thời, chúng ta cũng luôn giục lòng trông cậy vào Thiên Chúa quyền năng như Mẹ Maria để nhờ  đó chúng ta biết  lệ thuộc vào Thiên Chúa trong moi sự và tin tưởng vào quyền năng của Chúa hơn.

                                               RAPHAEL
Raphael xuất hiện ở trong Cựu Ước qua câu chuyện của cha con Tobia.( Tb 3, 7). Từ đó cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người. Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”.
Chúng ta hãy bắt chước Thiên Thần Raphael luôn sẵn sàng đến và cứu giúp những ai đang gặp khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất, để họ có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ. đồng thời, chúng ta hãy giục lòng mến Chúa hằng yêu thương cứu giúp chúng ta để nhờ đó chúng ta biết sống gắn bó với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc chúng ta làm.
Như thế, ai muốn được Chúa chữa lành bệnh (tha tội) thì cần thiên thần Raphael, muốn có sức mạnh như Thiên Chúa thì cần thiên thần Micael. Ai có Lời Chúa, thì người đó có sự sống.
Trong đời sống, chúng ta không tránh khỏi những lầm lỗi yếu đuối, những nghịch cảnh, khó khăn gian khổ bủa vây giăng mắc. Để thoát khỏi mối nguy hiểm của sự ác, Thiên Chúa đã ân cần nắm lấy bàn tay dẫn chúng ta vượt qua tất cả. Thiên Chúa hằng chữa lành chúng ta bằng những ơn thánh khơi nguồn từ các bí tích. Trong lòng Hội Thánh, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi, không bao giờ phải chiến đấu một mình. Hội Thánh luôn mở rộng cánh cửa đón chúng ta vào hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, chúng ta hãy mau mắn quay trở về với Chúa là nguồn tình yêu và xin các Thiên Thần luôn nâng đỡ và hương dẫn chúng ta luôn đi trên con đường Thánh Ý Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Ga 1, 47-51
47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối."48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi? " Đức Giê-su trả lời: "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi."
49 Ông Na-tha-na-en nói: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! " 50 Đức Giê-su đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa."
51 Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa là nguồn sống, nguồn bình an… của con. Con cảm ta Chúa vì Chúa đã ban các Tổng lãnh Thiên thần để bênh vực và gìn giữ con khỏi mọi ác thần. Xin cho con luôn biết lắng nghe và tin tưởng vào sự nâng đỡ và hướng dẫn của các Ngài hầu con luôn nhận ra và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa.Amen.
Nt. M. Christine Nguyễn Thị Sơn Ca, SPP


Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

BÀI HỌC LÀM LỚN


"Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.
Chúng ta cùng theo dõi đoạn video clip sau đây để thấy cách tiếp đón và cách yêu thương.



Câu chuyện thật cảm động của lòng yêu thương và tiếp đón. Ta hãy học cách yêu thương của cậu bé: Cho đi vì lòng kính trọng. Bà lão cho đi vì yêu thương cháu bé. Và học cách tiếp đón của chủ tiệm phở muốn được giúp đỡ nên đã tạo nên tình huống " Vị khách thứ 100". Tất cả đều vẽ lên bức tranh của bài Tin Mừng hôm nay. "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.Và đó cùng là cách chúng ta ủng hộ để ta thuộc về Thiên Chúa và tha nhân. Khi chúng ta ích kỷ, ghen tị, tham lam, tố cáo hay kết án... là ta chống lại Thiên Chúa, chống lại kế hoạch Sáng tạo và Cứu độ của Ngài. 

 TIN MỪNG:(Lc 9, 46-50)

Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất?47 Đức Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình48 và nói với các ông: "Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất."
49 Ông Gio-an lên tiếng nói: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy."50 Đức Giê-su bảo ông: "Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! "


LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim đủ lớn để con có thể ôm lấy bất kỳ ai đangđau khổ cần đến tình yêu của Chúa. Và một lý trí đủ lớn để con nhận ra con chẳng là gì nếu con không có Chúa. Amen.

Nt. M. Claudine Lê Thị Liễu My,SPP

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

CHẤP NHẬN THIẾU- THUA ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

TIN MỪNG:  (Mc 9, 38-43.45.47-48)
Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta."39 Đức Giê-su bảo: "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt.44 [ ]45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục.46 [ ]47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục,48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.

 SUY NIỆM
Trong cuộc sống ta thường thể hiện thái độ thương, ghét, thu gom và loại trừ … cách thiện cẩn bởi những khuôn khổ, những qui luật, những nguyên tắc, những tư tưởng, những cách hiểu hay cả một ý thức hệ có sẵn của chúng ta. Hơn nữa, có khi chúng ta lấy danh này, chức nọ, ... để hù dọa hay để ra oai “giữa đám mù anh chột làm vua”, hay để nâng mình lên, hạ người khác xuống…. Còn Chúa Giêsu thì sao?
Từ cách hành xử của Gioan Đức Giêsu đã kiện toàn cho ta cách hành xử nhân bản đến tận căn để đạt đến Tuyệt Đối. Thay vì loại trừ người khác trước hết ta phải loại trừ chi thể nào trong cơ thể của ta nếu nó làm cớ cho người khác vấp phạm hay làm hại đến thân thể, sự sống và hạnh phúc đời đời của ta. Ta phải “chặt nó đi”.
Lời của Đức Giê-su thật là triệt để với những ai và với những gì làm cớ cho người người khác sa ngã, nhất là những người bé mọn. Ngài không khoan nhượng với những kẻ làm gương xấu “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Bởi vì, làm cớ cho người khác sa ngã là hành động của Con Rắn, của Satan. Thật vậy, bà Evà nói với Đức Chúa: « Con Rắn đã lừa dối con, nên con ăn » (St 3, 13). Và trong thực tế, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Luca: Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã”.
Nhưng nếu, chúng ta biến lời này của Đức Giê-su thành lề luật, thì loài người sẽ chột mắt, cụt chân, cụt tay hết, thậm chí loài người sẽ « chôn sống » nhau! Vậy, chúng ta phải hiểu và sống lời của Chúa như thế nào?
Lời của Đức Giêsu không thể được tuân giữ do áp đặt từ bên ngoài. Dù sao, nghe những lời này của Đức Giê-su, người Kitô hữu chúng ta có lý để than vãn: quá khó để thực hành những gì Ngài muốn; nhưng thật ra, hiểu cũng đã khó quá rồi! Vậy làm sao tìm ra “lối đi”. Chính Chúa Thánh Linh sẽ dẫn chúng ta đạt tới đích trong tự do; vì áp đặt sẽ làm hỏng luật của Đức Kitô tận gốc rễ.
Để có thể sống theo lời của Đức Giê-su, chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”; nguồn gốc là tình yêu nhưng không và đến cùng Người dành cho từng người chúng ta: « Anh em hãy yêu mến nhau, như Thầy yêu mến anh em” (Ga 15, 12), là kinh nghiệm được Ngài “rửa chân”: “Anh em hãy rửa chân cho nhau, như Thầy rửa chân cho anh em” (Ga 13, 14) ; và khởi đi từ lòng ước ao cũng yêu Chúa đến cùng, ngang qua ơn gọi làm người, làm con Chúa. Chính Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta.



LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.


Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
 ( Chân phước Tê-rê-sa Calcutta)



Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

TRAO BAN HẠNH PHÚC LÀ NÉT ĐẸP CỦA HY SINH




TIN MỪNG (Lc 9, 43b-45)
Đang lúc mọi người bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su đã làm, thì Người nói với các môn đệ rằng: 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời."
45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

*  *  *
Câu chuyện thật cảm động dường như nói với tôi và bạn rằng: Đau khổ trong cuộc đời là những bậc thang dẫn ta đến hạnh phúc. Để được như thế ta phải hiểu được giá trị của hy sinh,của đau khổ. Vì lắm khi người khác đã hy sinh hạnh phúc của họ để ta hạnh phúc hơn, nhưng ta lại không nhận ra. Vì thế tôi mời bạn vui lòng hy sinh vài phút của bạn  để đọc câu chuyện sau đây cũng là cách bạn đang hy sinh để cho ai đó được hạnh phúc:
CÂU CHUYỆN: HẠC GIẤY

Có những món quà thật đơn giản nhưng chứa đựng biết bao nhiêu chân tình. Tôi biết một chàng trai đã gấp 1000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì xán lạn nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc bên nhau. Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa . Nàng rất lấy làm tiếc nhưng rồi nỗi đau của chàng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người.

Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều trước đây vì thiếu nó mà người yêu đã rời bỏ anh, mà còn giúp anh xua đuổi ra khỏi tâm trí mình một điều gì đó của tháng ngày xưa cũ.

Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ra đó chính là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại.

Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng bây giờ anh đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ đã từ chối đã làm được điều đó.

Đôi vợ chồng cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, như thể thời gian không bao giờ làm thay đổi nụ cười ấy, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào.

Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc một căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Vì vậy nàng quyết định xa anh. Nàng mong ước cha mẹ sẽ dặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.
Chàng trai bật khóc.

SUY NIỆM

Chàng trai bật khóc”. Vì bấy lâu nay anh cứ nghĩ anh là người đau khổ, là ngườ bị phản bội, nhưng thật sự người yêu của anh mới là người can đảm chịu lấy đau khổ để tương lai của anh được tươi sáng và hạnh phúc. Bởi vì Người yêu của chàng đã chẳng yêu chàng   như cách mà chàng mong đợi. Cô gái thật tuyệt vời, khi biết căn bệnh quái ác sẽ cướp đi sinh mạng của cô và cô đã hy sinh tình yêu của mình. Để cho người mình yêu được hạnh phúc. Cô gái đã biết hy sinh đời mình và trao ban hạnh phúc cho người mình yêu.
Tình yêu của Đức Giêsu trao ban cho mỗi người chúng ta cách trọn vẹn và viên mãn đến nỗi ta không thể suy thấu. Bởi vì Đức Giêsu đã trao ban Tình yêu của Ngài không theo kiểu suy nghĩ của ta mà theo cách của Thiên chúa. “Vì Thiên Chúa là Tình Yêu”.
 Đến nỗi khi Đức Giêsu loan báo cách thi thố tình yêu của Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn của Ngài “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. các môn đệ vẫn không  hiểu .
Trong cuộc sống khi ta gặp đau khổ, hiểu lầm, trái ý, tai họa… ta than thân trách phận, Hơn là ta hồi tâm và đặt câu hỏi như kinh nghiệm của thánh Phao-lô: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Chỉ với niềm tin, và lòng cậy trông mới giúp ta xác tín rằng: đó là cách mà Thiên Chúa muốn ta có thêm lòng trung tín hơn, kiên nhẫn hơn, tin tưởng hơn và yêu mến hơn…? Vì cuộc đời của ta chỉ có ý nghĩa khi ta đi vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu ngang qua thực tế của cuộc đời ta.


LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa đã biểu lộ cho con thấy tình yêu kỳ diệu của một Thiên Chúa tình yêu, Xin cho con đón nhận và sống Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa trong cuộc sống của con với niềm tin tưởng và phó thác. Amen


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

ĐỨC GIÊ-SU LÀ AI?


 


TIN MỪNG (Lc 9, 7-9) 

Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy."8 Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại."
9 Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.

SUY NIỆM

Hê-rô-đê “phân vân lắm” vì có nhiều dư luận khác nhau về Đức Giê-su. Hê-rô-đê không tin những dư luận này lắm? Do đó câu hỏi “Giê-su là ai?” càng ray rứt hơn đối với ông. Bởi đó “ông tìm cách gặp Đức Giê-su”. Động cơ thúc đẩy ông tìm gặp Ngài không phải là Đức Tin, bởi vì sau cùng ông đã gặp được Ngài nhưng không phải để tìm hiểu giáo huấn của Ngài mà chỉ để “được xem Ngài làm một vài phép lạ”!.
Và hôm nay, câu hỏi « Đức Giê-su là ai ? » cũng phải đặt ra cho chúng ta ; chúng ta cũng hãy để cho mình « phân vân » về « tất cả những gì đã xẩy ra » : « tất cả những gì đã xẩy ra » cho Đức Giê-su, và cả « tất cả những gì đã xẩy ra » trong cuộc đời của chúng ta nữa. Chúng ta hãy tự hỏi : Đức Giê-su là ai đối với tôi ? Ngài là ai trong cuộc đời của tôi, trong ngày sống của tôi ? Và chúng ta hãy có lòng khát khao « tìm gặp » Ngài.
Chúng ta phải để cho chính Đức Giê-su hỏi chúng ta một cách sống động và đích thân, vì Ngài vẫn đang sống động trong cuộc đời và ngày sống của chúng ta: « Còn con, con nói Thầy là ai ? »
  Và cuối cùng, chúng ta được mời gọi đi theo Ngài, không phải trên con đường chúng ta tự ý vạch ra, nhưng trên « Con Đường Thập Giá », nghĩa là con đường của hạt lúa mì, mà chính Người đã đi qua một cách trọn vẹn và hoàn hảo trong tâm tình tạ ơn và tín thác.


CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho con ơn Đức Tin để con luôn nhìn thấy Chúa hiện diện trong cuộc đời con qua các dấu chỉ, qua biến cố và qua mọi người…hầu cho con xác tín rằng Chúa luôn tìm gặp và khao khát yêu mến con hơn là con đi tìm gặp và yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con tín thác vào Chúa. Amen.




Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

ƠN BAN LÀ HÀNH TRANG CHO SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG


TIN MỪNG
Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật.
2 Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân.3 Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.4 Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi.5 Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."
6 Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

SUY NIỆM

Thời đại hôm nay, được gọi là thời đại của kinh tế thị trường nên thỉnh thoảng lại nghe câu châm ngôn: “phương tiện là phép màu, lòng người là phép chuẩn”. Thật buồn, vì cái gọi là trung tâm thì được liệt kê vào thứ yếu. không được trân trọng. Vật chất kinh tế lên ngôi, tâm hồn con người như bị lãng quên.
Chúng ta, người kitô hữu vẫn còn niềm tin vẫn còn hy vọng. Vì chúng ta tin rằng vật chất vẫn là phương tiện để giúp chúng ta đạt đến lý tưởng của mình là Tin Mừng. Tin Mừng là điểm xuất phát và đích đến của cuộc sống chúng ta.
Cuộc sống với nền khoa học, kinh tế… phát triển giàu hơn, văn minh hơn với nhiều phương tiện hiện đại đều nhắm đến mục đích: “Sống và Loan báo Tin Mừng”.

Ranh giới giữa vật chất và Tin Mừng có khi mong manh và trở nên thách đố. Chính vì thế, khi sai các môn đệ đi rao giảng, Đức Giê-su căn dặn rất chi tiết và triệt để, chi tiết và triệt để đến độ không thể thực hiện được: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Bởi vì, nếu chúng ta làm theo y như lời dặn này của Đức Giê-su, chúng ta không thể rao giảng được mấy ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sống theo lời của Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ giống như người xây nhà trên cát (Mt 7, 24-27), sẽ chẳng sinh hoa kết quả để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 15, 5; 21, 3-6).
Đức Giê-su cố ý nói thật triệt để như thế, để một đàng chúng ta không thể biến lời của Ngài thành lề luật, hiểu theo chữ viết, đàng khác mặc khải cho chúng ta một năng động được thúc đẩy và lôi cuốn bởi Thần Khí. Bỡi lẽ, Lời Chúa là thần khí (x. 2Cr 3, 17). Những lời của Đức Giêsu không mô tả cho chúng ta những hành vi phải thực hiện, nhưng buộc phải tiến tới, nếu cần thiết, theo năng động mà lời của Ngài gợi ra. Lời dặn của Đức Giê-su muốn nhắc nhở chúng ta rằng, sứ vụ của chúng ta phải được thi hành dựa trên ơn ban nhưng không của Chúa, chứ không phải là dựa trên các phương tiện và tài năng của chúng ta ; và nếu có phần đóng góp của các phương tiện và tài năng, thì tất cả đều là ơn huệ Chúa ban cách nhưng không.



LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, qua bao thời đại và cho đến hôm nay Lời Chúa vẫn tha thiết mời gọi: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”.Đó cũng là một mệnh lệnh đầy thách đố cho con trong xã hội với biết bao cám dỗ về vật chất. Xin Chúa cho con ý thức rằng vật chất không phải là điều kiện tiên quyết  cho đời sống hàng ngày cũng như trong sứ mạng loan báo Tin Mừng  nhưng  Chúa  chính là cùng đích và là sự sống của con. Amen




Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

GIA ĐÌNH MỚI

      TIN MỪNG LC 8,19 - 21

Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Người ta báo cho Người biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy." Người đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."




SUY NIỆM

Khởi đầu tin Mừng Mat-thêu (Mt 1, 1 – 17), tường thuật về gia phả của Đức Giê-su để cho ta thấy Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người. Ngài là con người thật xuất thân từ dòng dõi David. Gia phả theo huyết thống.
Tin Mừng Luca hôm nay cho ta biết một “gia phả” khác của Đức Giê-su mà người Việt Nam ta gọi là gia đình Linh tông mà mọi ngươi ở trong gia đình này không tương quan bằng máu mủ mà tương quan bằng tinh thần  rất thân thiện, gần gũi, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Đức Giê-su đưa ra tiêu chí cho gia phả này là lắng nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa. Ngài khẳng định: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."
  Thật ra, Đức Giê-su đã nhân cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng « một gia đình mới », gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc « lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa ». Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ Maria, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong gia đình mới mà Đức Giê-su đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời.
Kinh nghiệm nghe và sống Lời Chúa sẽ làm cho chúng ta nhận ra rằng, Lời Chúa không phải là chữ viết của lề luật hay mệnh lệnh, nhưng là Lương Thực nuôi sống, là Ánh Sáng soi đường và là Sự Sống, có sức mạnh tái sinh chúng ta ; Lời Chúa cũng cuốn hút chúng ta nữa từ trong chốn sâu thẳm của chúng ta, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa qua Bàn tiệc Lờ Chúa và Thánh Thể  mà chúng ta lãnh nhận hằng ngày. Và tương quan sống bác ái trong đời sống phục vụ mọi người.

LỜI NGUYỆN

Lạy Cha trên trời là Cha chúng con, nhờ Chúa Giê-su Con Cha mà chúng con được liên kết và trở nên một trong gia đình của Cha là Giáo Hội. Xin cho chúng con biết xây dựng gia đình mới này bằng việc lắng nghe và thực hành Lời của Cha trong từng giây phút của cuộc sống theo gương Mẹ Maria. Amen.




SỞ THUẾ ĐIỂM HẸN CỦA ƠN GỌI MAT-THÊU



TIN MỪNG MT 9, 9 -13

Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.
 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? " Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

SUY NIỆM

Khi nói đến Mat-thêu ta nghĩ ngay ông là người thu thuế, người làm kinh tế nên chắc chắn ông là người giàu có. Đối với người Do Thái đây là một nghề tội lỗi. Nên ai làm nghề này được liệt vào hạng người tội lỗi. Khi thấy Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông thì các người Biết Phái hỏi ngay: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”. Câu hỏi của người Biệt Phái có khi là câu hỏi của tôi và bạn khi chúng ta thấy điều gì đó không đúng với ý mình thì kết luận điều đó là xấu, là sai…Nhưng với Thiên Chúa “ mọi sự đều có thể”. "Đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người"
Chúa Giêsu – Đấng của lòng thương xót. Ngài thấy được cõi lòng của mỗi người. Trong cuộc sống, người đồng hương gọi ông là người “thu thuế và tội lỗi”. Chúa Giêsu không phủ nhận “ lý lịch” tội lỗi của Mat-thêu mà Chúa Giêsu còn quả quyết: tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." Chúa đón nhận con người Mat-thêu  như ông là và Chúa đã gọi ông. Ông đã nghe được tiếng gọi ấy và “ Ông đứng dậy đi theo Người”.
Tiếng gọi của Thầy Giêsu “ Hãy theo Ta” Mat-thêu đã bỏ sở thuế của của mình, bỏ cái gọi là bảo đảm nhất của ông và gia đình. Ông dám đánh đổi cái “bảo đảm” để đổi lấy cái mong manh của hiện tại. Tiếng gọi ấy đã cuốn hút ông, đã thôi thúc  ông. Từ nay tiếng gọi và lời đáp trả ấy là tất cả của ông. Từ nay “ Sở thuế”của ông chính là Thầy Giêsu. Ông một mực gắn bó, làm giàu, rao giảng và làm chứng… Quả thật, nhờ tiếng đáp trả và tình yêu của Mat-thêu dành cho Thầy Giêsu nên Giáo Hội lãnh nhận “ sở thuế” lớn hơn, ý nghĩa hơn và giá trị hơn đó là kho tàng Tin Mừng.
Với Mat-thêu sở thuế là điểm hẹn gặp gỡ Thầy Giêsu. Còn tôi, đâu là điểm hẹn để Thầy Giêsu gặp tôi ?


LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã chọn Mat-thêu làm tông đồ của Chúa, để Tin Mừng của Chúa được nhiều người biết đến. Nhờ lời Thánh Mat-thêu chuyển cầu xin Chúa cho chúng con luôn biết sống và rao giảng tình thương của Chúa bằng những hy sinh âm thầm và những việc làm đơn sơ trong cuộc sống nhưng tràn đầy niềm vui vì ý thức rằng Chúa luôn yêu thương, đồng hành và không ngừng mời gọi  chúng con bước theo Ngài. Amen.



Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

CĂN BỆNH "AI LỚN NHẤT"


 « Tiếp đón một em nhỏ vì Danh Thầy »

TIN MỪNG : (Mc 9, 30-37)

30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại."32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? "34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
SUY NIỆM
Sau khi đọc bài Tin Mừng tôi cũng lập lại : Ai lớn nhất ? và tôi cũng tự vấn chính mình : Ai lớn nhất ? Ai nhỏ nhất ? đó là Ơn Ban hay là căn bệnh. Ta hãy nghe Cha Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ chia sẽ như sau :
Trên đường đi theo Đức Giêsu, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng », và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (Lc 22, 24). Thánh Mát-thêu, đẩy vấn đề đi xa hơn : họ đến hỏi trực tiếp Đức Giêsu để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời !
đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị  nhau, loại trừ nhau; ngoài ra, đó là một căn bệnh nghiêm trọng, còn là vì bệnh này là bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt về ngoại hình, vì thua kém trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và tự xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc. Hơn nữa, tranh đua dựa trên qui luật “mạnh được yếu thua”, vốn qui luật ít nhân tính nhất, nếu không muốn nói, thuộc bình diện thú tính!
 Cách Đức Giêsu « chữa lành » căn bệnh quái ác này
Đức Giêsu đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : “muốn làm lớn” Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Tin Mừng Luca)! Hãy thay đổi và trở nên như trẻ con (theo Tin Mừng Mát-thêu). Hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
Ø  Để các môn đệ đừng hiểu mơ hồ những khái niệm « nhỏ nhất », « trẻ con », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giêsu đem một em bé tới đặt giữa họ.
Ø  Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giêsu đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ».
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Đức Giê-su mời gọi chúng ta đưa ra một lựa chọn của con tim. Một khi con tim được Đức Giê-su chữa lành khỏi căn bệnh quyền bính, căn bệnh hơn người, căn bệnh vẻ bề ngoài, sẽ tìm được cách diễn tả tốt nhất trong cộng đoàn, dù mình là ai, có trách nhiệm hay nhiệm vụ gì. Hãy đón nhận tất cả với tâm hồn trẻ thơ. Trở nên như em bé là một ơn gọi, luôn ở phía trước.
Ø  Trở nên như em bé là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì em bé không thể sống một mình. Sâu sa hơn, em bé không thể đón nhận sự sống từ chính mình, nhưng từ những người khác, nhất là từ những thân yêu.
Ø  Trở nên « em bé » là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa Cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một em bé, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?”
Ø  Trở nên như em bé, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành
Ø  Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : Đức Giê-su ôm em bé ; và Ngài sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa không chỉ bằng lời và nhất là bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá.
Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.



LỜI NGUYỆN
Lạy Cha là Đấng  cao cả tốt lành và đầy lòng yêu thương, Con cảm tạ Cha vì Cha đã sai Dức Giêsu con Cha đến để chữa trị nơi nhân loại chúng con căn bệnh " Ai Lớn Nhất" bằng chính cuộc sống và giá Máu Châu Báu của Ngài. Xin cho con ý thức về cách sống của mình trong tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình hầu con biết ý thức "Toi là ai?" và làm tất cả vì yêu mến .Amen