Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

QUỸ ĐẠO CỦA YÊU THƯƠNG


TIN MỪNG: Mt 15, 29-37
Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.
Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: "Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng". Các môn đệ thưa Người: "Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các con có bao nhiêu chiếc bánh?" Họ thưa: "Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ". Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan.
SUY NIỆM
Trong cuộc sống, con người luôn hoạt động. Hoạt động nói lên qui luật sinh tồn của của con người. Nếu con người không còn hoạt động là con người sẽ chết. Trong thực tế có những hoạt động làm cho con người như đã chết. Đó là khi con người hoạt động cho sự bất công thiếu nhân tính như: chiến tranh bởi hận thù, chia rẽ; cướp bóc bởi đói nghèo bất công; tư lợi, hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân bởi ích kỷ…Ngược lai, có những hoạt động tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng vẫn bùng lên sức mạnh như đóm lửa tỏa hơi ấm của quan tâm yêu thương, những tia sáng của âm thầm dấn thân trong những môi trường chống đối, loại trừ, có khi nguy hại đến tính mạng…nhưng lòng nhiệt thành “tình yêu Chúa Kito thúc bách tôi”
Tin Mừng hôm nay cũng đã thuật lại những hoạt động của Chúa Giêsu, các môn đệ và đám đông. Chúng ta thử nhìn ngắm lại những hoạt động đó:
·        Chúa Giêsu:đến gần…, lên ngồi trên núi, Người đã chữa lành nhiều người và thương xót đám đông, không muốn cho họ về bụng đói, Chúa dâng lời tạ ơn, bẻ bánh ra và trao…cho họ”
·        Đám đông: “… lũ lượt đến cùng Người,  ba ngày họ ở lại với Người. Họ đem theo kẻ câm, mù, què, liệt … đặt dưới chân Người…nhiều người được chữa lành. Họ tôn vinh Thiên Chúa Israel”.
·        Các môn đệ: "Có bảy chiếc bánh và ít con cá nhỏ… Họ đã đem cho Chúa”
Các hoạt động này tạo nên một vòng tròn của yêu thương, vòng tròn của chạnh lòng, vòng tròn của hiệp thông, chung sức… nên phép lạ đã được thực hiện.
Ước chi trong mỗi tập thể trường học, công sở, gia đình, giáo xứ, cộng đoàn tu trì... luôn tạo được vòng tròn của cảm thông, yêu thương, chung tay xây dựng và sẻ chia dù chỉ với  "Có bảy chiếc bánh và ít con cá nhỏ” nhưng trước mặt Chúa đó là tất cả, đó là những nỗ lực của hy sinh và yêu mến.
Những nở lực của hy sinh, của yêu thương... đòi chúng ta ra khỏi chính mình và bước đi.
♥ Bước đi...không phải để trốn chạy mà tìm đến một người đang cần tôi cùng song hành.
♥ Bước đi...không phải để khóc nhưng đến với ai đang đau khổ, giá buốt họ muốn có tôi bên cạnh
♥ Bước đi...không phải đến nơi nào hạnh phúc hơn nhưng sẵn sàng dấn thân nơi cuộc sống nghèo khổ, đau thương để thấy rằng tình yêu thật luôn mang màu Thập giá.
♥ Bước đi...không phải là để được nhưng là chấp nhận mất tất cả, dù là cái tôi yêu mến… kể cả bản thân và mạng sống.
♥ Bước đi...một lần và mãi mãi để được lớn lên và biến đổi...để hành trình theo Giêsu, người Thầy Chi Thánh của tôi trở nên “đồng hình đồng dạng” hơn.



LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, đến với Chúa và theo Chúa là hành trình của Đức Tin. Như các môn đệ chỉ “hai chiếc bánh và ít cá nhỏ” con dám đem dâng cho Chúa - Đấng là tất cả sẽ làm cho con và mọi người tràn đầy và viên mãn. Ước chi mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể, Chúa là nguồn sống và nguồn lương thực và nguồn hạnh phúc của con. Amen.  




TẠ ƠN- TÌNH CA VÔ TẬN


TIN MỪNG (LC 10 21-24)
Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho."
23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

SUY NIỆM

Tin Mừng Luca thuật lai Niềm vui của Chúa Giêsu xuất phát từ trong Thánh Thần và Ngài dâng lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa Cha. Vì mầu nhiệm Nước Trời được mặc khải cho những người bé mọn. Không phải là Thiên Chúa phân biệt đối xử không cho những bậc khôn ngoan, thông thái biết. Mầu nhiệm nước Trời được ban cho tất cả mọi người không loại trừ ai. Nhưng việc đón nhận hay không là tùy tâm hồn mỗi người.
Bậc không ngoan ở đây là những người họ tự cho mình là khôn không ngoan là thông thái xuất chúng nên họ không cần lắng nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu và các tông đồ.
Chúa Giêsu vui mừng, tạ ơn Thiên Chúa Cha, vì các tông đồ là những dân chài, thất học, có khi là người được mệnh danh là tội lỗi, thu thuế… Nhưng họ được gọi và được sai đi, bây giờ họ trờ về tràn đầy niềm vui vì việc rao giảng của họ thành công mỹ mãn nhờ tình yêu của Thầy Giêsu và sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhiều người đã đón nhận tin Mừng. Đó là điều làm cho Chúa Giêsu vui mừng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Những người có tâm hồn bé mọn đó là những mộn đệ của Chúa Giêsu, những người muốn thi hành thánh ý Chúa Cha, tuân giữ các giới luật của Ngài nhờ Chúa Giêsu mạc khải cho.
Niềm vui thật chỉ tìm thấy trong Thiên Chúa, chứ không phải trong sự quyến rũ hào nhoáng của thế giới vật chất. Khi chúng ta khiêm tốn, nhận biết mình là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương và mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân thì chính Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi chúng ta. Từng giây phút trong cuộc sống chúng ta hãy mượn lời thánh vịnh 51 mà thưa lên với Thiên Chúa, Đấng đầy lòng thương xót:
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một
tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.


LỜI NGUYỆN


Lay Chúa Giêsu yêu mến, xin dạy con luôn biết sống tâm tình tạ ơn. Tạ ơn là tâm tình đẹp nhất và Thiên Chúa yêu thích. Vì tạ ơn không thêm gì cho Chúa nhưng đem lại cho con ơn cứu độ muôn đời. Xin cho con từng giây phút trong cuộc sống luôn dâng lời tạ ơn Chúa vì cuộc đời con là một chuỗi hồng ân và yêu thương Amen.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

ĐƯỢC SAI ĐI – TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG



TIN MỪNG (Mt 4, 18-22)
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
SUY NIỆM
Trước hết, chúng ta được mời gọi nhận ra tính nhưng không của ơn gọi. Thật vậy, Đức Giêsu gọi hai anh em Phêrô và Anrê, hai anh em Giacôbê và Gioan, như các ông đang là, đang lay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình, đang bân rộn với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống. Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.
Tiếng gọi của Đức Giê-su dành cho mỗi người chúng ta cũng nhưng không như thế, dù trong thực tế đã diễn ra như thế nào và đã trải qua những thăng trầm nào. Bởi vì, tiếng gọi của Chúa tự bản chất là nhưng không. Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?... Chúng ta hãy làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giê-su, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta.

Tiếp đến chúng ta được mời gọi chiêm ngắm sức mạnh của tiếng gọi. Thật vậy, tiếng gọi của Đức Giê-su mạnh đến độ làm bật tung « lập tức » (c. 20 và 22) các môn đệ đầu tiên ngay tại nơi các ông đang làm việc cùng với những người thân yêu, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống các ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông.
Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng Chúa. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ lôi kéo và biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta.
Ơn gọi thiết yếu là một tương quan: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, nhưng thánh An-rê và các anh em khác « lập tức bỏ chài, bò thuyền, bỏ cha mà theo Người”. Vì đây là ơn gọi đầu tiên của mọi ơn gọi trong Giáo Hội mà Đức Giê-su sẽ thiết lập, nên cách Ngài gọi các môn đệ đầu tiên chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày.
Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật nhưng không, bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách nhưng không, bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường tìm hiểu và sống ơn gọi dâng hiến, theo gương của thánh An-rê Tông đồ.
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ)

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu yêu mến,  Con đã được Chúa gọi và đượcc sai đi làm chứng cho Chúa trong ơn gọi làm người, làm con Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Andre tông đồ. Xin cho con luôn sống đúng với ơn gọi cao quý này để minh chúng cho tình yêu nhưng không của Chúa trong cuộc sống của con. Amen


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - TỈNH THỨC



Phúc Âm: Lc 21, 25-28, 34-36
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến.
Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"   

Suy Niệm 
Sứ điệp lời Chúa của chúa nhật I MV: Loan báo tình thương nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa đối với Dân Người. Và kêu gọi Dân hãy hy vọng và tín thác tình thương nhân hậu và tha thứ của Người.
Bài đọc một: dẫn chúng ta vào khung cảnh dân Israel đang sống trong cảnh lưu đày, mất nước và đây là lịch sử đau buồn nhất của Israel... Ngôn sứ Giêrêmia được sai đến loan báo tình thương nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa đối với dân Người. “Ðã đến ngày Ta sẽ thực hiện tin mừng Ta loan báo về nhà Israel và nhà Giuđa (Gr 3, 14).  Ông kêu gọi dân hãy hy vọng và tín thác vào tình thương tha thứ và nhân hậu vì:“Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn (Gr 33, 16).
Từ lịch sử của dân Israel, lịch sử Giáo hội, lịch sử của mỗi cá nhân chúng ta đều thấy rõ sự bất trung, bội tín của con người  và diễn tả một Thiên Chúa luôn trung tín, kiên nhẫn, chờ đợi và yêu thương đến cùng.
 Bài Tin Mừng nằm trong diễn từ chung luận Ngày Cánh Chung, ngày cuối cùng của thế giới. Chúng ta cũng hiểu rằng, đó là ngày cuối cùng của mỗi người. Lời của Đức Giêsu nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi. "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất...biển gầm sóng vỗ”(LC21, 25).
Tâm hồn của muôn dân: buồn sầu lo lắng... sợ hãi kinh hồn (LC 33, 26).
 Tâm hồn của môn đệ Đức Giêsu thì sao? “các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến ( LC 33, 28). Để được hưởng “giờ cứu rỗi”.
Đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, chúng ta phải vượt qua cuộc đời này ngang qua sự chết, thân xác rã tan, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ Ngày Cánh Chung trong bình an, hi vọng và cầu nguyện... Xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến. Như thế, điểm tận cùng sẽ trở thành niềm hân hoan, trở thành thời điểm cứu chuộc.Vì thế chúng ta:
•           Hãy vui mừng và hy vọng: Đứng thẳng và ngẩng cao đầu.
•           Hãy giữ mình không để lòng ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời
•           Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để được giải thoát.
Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi chúng ta chấm dứt cuộc sống này.
 Vậy, đâu là bước chuẩn bị của tôi trong cuộc sống hôm nay giữa nhng vết nhơ lịch sử lập lại. Giữa những giằng co trong tâm hồn. Có khi là một tâm hồn rách nát và đầy đau thương.
Thánh Phao-lô trong thư gởi giáo đoàn Thexalonica lại một lần nữa mời gọi chúng ta:
•           Hãy yêu thương nhau và yêu thương mọi người
•           Hãy bền tâm, vững chí trên đường thánh thiện.


Cuộc sống hiện tại của chúng ta được xem như là hạt giống nảy mầm để mọc lên những chồi non của âm thầm cho đi trong hy sinh- phục vụ, quảng đại trong yêu thương chia sẻ và dấn thân... để cho cây đời sống vĩnh cửu đơm bông kết trái hy vọng, bình an và hạnh phúc. Hạt nảy mầm tốt sẽ trở thành cây tốt và sẽ có mùa gặt bội thu. Như vậy, tỉnh thức với hy sinh sẽ có mùa gặt tràn đầy yêu thương




Lời nguyện


Lạy Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Chúng con được phúc lắng nghe sứ điệp Mùa Vọng và giáo huấn của Giáo Hội về Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Ước chi, hằng ngày nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa chúng con cảm nhận được lòng thương xót của Chúa dành cho  chúng con. Xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh, để chúng con tin vào tình yêu và quyền năng của Chúa. Lòng trông cậy vững vàng để chúng con xác tín Chúa là niềm hy vọng duy nhất của con.Lòng mến thẳm sâu để chúng con luôn phó thác cuộc đời chúng con cho Chúa. Hầu từng ngày sống qua đi là hành trình của chúng con về với Chúa gần hơn điểm tận cùng của đời sống chúng con sẽ trở thành niềm hân hoan vì ơn cứu Độ đã đến. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trì muôn đời. Amen.


Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

TỈNH THỨC ĐỂ ĐƯỢC GIẢI THOÁT


Chuyện kể rằng: một họa sĩ nọ vẽ tranh rất sống động, để chuẩn bị cho ngày trưng bày triển lãm. Anh ta mời bạn bè đến nhận xét và góp ý. Khi nhìn vào bức tranh Chúa Giêsu đứng bên ngoài cánh cửa và gõ thì một người bạn lên tiếng. Bức tranh này đẹp nhưng có một điểm vô lý. Điểm nào vô lý, người họa sĩ hỏi. Trên cánh cửa không có tay cầm làm sao Chúa mở cửa để vào. Người họa sĩ ôn tồn trả lời: “Tay cầm được gắn bên trong”. Chúa đến gõ cửa, còn việc mở cửa hay không là người chủ ở bên trong ngôi nhà…
Những ngày cuối của năm Phụng vụ, Giáo hội đưa ta vào khung cảnh của ngày Chúa đến, ngày Chúa trở lại để phán xét. Vì thế những cụm từ trong Tin mừng như điệp khúc được lập đi, lập lại: Tỉnh thức, cầu nguyện, canh chừng… Đó là thái độ, hành vi và cách sống của chúng ta. Vì thế bức tranh của người họa sĩ không vô lý chút nào nhưng còn là một chân lý nhắc nhở với chúng ta. Chúa đến gõ cữa, chúng ta lắng nghe và mở cửa cho Ngài bước vào. Vì tay cầm trên cánh cửa được gắn về phiá chúng ta. Nghĩa là việc mở cửa chính là tự do của chúng ta. Chúng có lắng nghe, có quảng đại… để từ bên trong chúng ta mở cửa cho Chúa vào ngôi nhà cuộc đời để “dùng bữa” và “ở lại” với chúng ta?!
Nếu cuộc sống hôm nay, giây phút hiện tại. Chúng ta tỉnh thức, đề phòng và cầu nguyện… thì cuộc sống ngày mai tràn đầy ánh sáng, yêu thương và hạnh phúc. Cuộc sống ngày mai tùy thuộc vào cuộc sống hôm nay của chúng ta.
Chúng ta cùng đọc lại bài Tin Mừng để xác tín hơn “Chúa sẽ đến”. Còn chúng ta thì luôn phải tỉnh thức và cầu nguyện(Lc 21,36). Vì chúng ta không biết ngày nào, giờ nào( Mt 24. 44).



Tin Mừng: Lc 21, 34-36
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Lời Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Đấng con tôn thờ và yêu mến. Xin cho con luôn tỉnh thức trong cầu nguyện, để con sẵn sàng mở rộng cánh cửa lòng con cho Chúa được tự do bước vào. Con được gặp Chúa và con tin chắc rằng Chúa sẽ dẫn con đi vào thế giới và dạy con cách cúi xuống phục vụ như Chúa, để cuộc đời con thuộc trọn về Chúa và tha nhân. Vì Chúa là tất cả của con và con là của Chúa. A men

Nt. M.Prudence Mai Duyên, SPP

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

CÁNH CHUNG NGÀY CỦA HY VỌNG

·          
Tin Mừng: Lc 21, 20-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi các con thấy Giêrusalem bị các đạo binh bao vây, các con hãy biết rằng đã gần đến lúc thành ấy bị tàn phá. Bấy giờ những ai ở trong đất Giu
đa, hãy chạy trốn lên núi, những ai ở trong thành, hãy rời xa, và những ai ở vùng quê, chớ có vào thành; vì những ngày ấy là những ngày báo oán, để ứng nghiệm mọi lời đã ghi chép.
"Khốn cho những đàn bà đang mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy: vì chưng sẽ có sự khốn cực cả thể trong xứ và cơn thịnh nộ trút xuống dân này. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ phải bắt đi làm tôi trong các dân, và Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho dân ngoại chấm dứt.
"Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn, chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, các con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến".
Suy Niệm:
Chúng ta đang sống ở những ngày cuối của năm phụng vụ; và Lời Chúa trong các bài Tin Mừng của những ngày này, nhất là bài Tin Mừng hôm nay, cũng nói cho chúng ta về thời điểm cuối cùng, không phải của một năm, nhưng là của mọi sự.
Thánh Luca trình bày biến cố Giêrusalem bị sụp đổ, tượng trưng cho cuộc phán xét cuối cùng của Thiên Chúa. Ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh được ứng nghiệm. Và đó cũng là ngày mà sự can thiệp cuối cùng có tính cách quyết liệt của Thiên Chúa vào lịch sử.
Hình ảnh thành thánh Giê-ru-sa-lem sẽ bị phá hủy vì bạo lực, tượng trưng cho mọi công trình của con người, đạo cũng như đời, sẽ bị phá hủy. Không phải vì Thiên Chúa giáng phạt, nhưng vì bạo lực của con người. Nhưng, như chúng ta đều có kinh nghiệm, chuyện người hại người không chỉ xẩy ra lúc chiến tranh, nhưng là chuyện xảy ra hàng ngày, dưới mọi hình thức, và một cách ý thức cũng như vô thức. Thế giới sáng tạo cũng lúc khởi nguyên, khi chưa được Thiên Chúa sáng tạo, phân rẽ, sẽ tan rã và trở lại tình trạng hỗn mang như định hướng và sắp xếp bằng Ngôi Lời của Người. Và cũng không phải vì Thiên Chúa cho xẩy ra thiên tai để trách phạt loài người tội lỗi, như thời ông Nô-e, nhưng vì đó là quy luật, là thân phận thọ tạo. Thế giới sáng tạo, dù có rất bền vững, nhưng vẫn phải đi đến điểm tận cùng, vì không phải là vĩnh cửu.
Một nhó người hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” chúng ta được mời gọi lắng nghe và tin vào lời của Đức Giê-su: Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.



Lời của Đức Giê-su nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, chúng ta phải vượt qua cuộc đời này ngang qua sự chết, thân xác rã tan, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới. Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến. Như thế, điểm tận cùng sẽ trở thành niềm hân hoan, trở thành thời điểm cứu chuộc.( Lm Giuse Ng. Van Lộc SJ)
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa, là nguồn sự sống của con.
Xin ban cho con một đức tin vững mạnh, để con tin vào tình yêu và quyền năng của Chúa.
Xin ban cho con lòng trông cậy vững vàng để con xác tín Chúa là niềm hy vọng duy nhất của con.
Xin ban cho con lòng mến thẳm sâu để con luôn tín thác cuộc đời con cho Chúa .
Để từng ngày sống qua đi là hành trình của con về với Chúa gần hơn. Amen.





Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

KHÓ KHĂN - ĐAU KHỔ HÀNH TRÌNH LỚN LÊN VÀ BIẾN ĐỔI

Tin Mừng: Lc 21, 12-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy: các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con.
"Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con cũng sẽ giữ được linh hồn các con". 
Suy Niệm:
Sống tốt của cuộc sống hôm nay, là bước chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống ngày mai. Nhưng, sống như thế nào được gọi là tốt? Đó là sống theo Tin Mừng. Tin Mừng hôm nay nghe có vẻ khó chấp nhận quá: "Người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy”. Thật đáng sợ. Nhưng sau lời cảnh báo lại là một lời hứa đầy an ủi của chiến thắng: “Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan”. Như vậy, tất cả những gì chúng ta chịu vì danh Chúa Giêsu sẽ mang một giá trị đích thực. Mẹ Thánh Tê-rê-sa Cancute cũng đã từng nói: “Chúng ta được gọi bởi ơn Trên không phải để được thành công nhưng là để cậy trông”
Là người sống niềm tin vào Chúa Kito, cuộc đời chúng ta họa lại bức chân dung của Ngài ngang qua mầu nhiệm Thâp giá như là nét cọ chính trong bức tranh Cứu Độ của cuộc đời chúng ta mà chính Chúa Giêsu đã họa lên nét vẽ đầu tiên. Vì thế, chúng ta chỉ cần đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa trong cuộc sống nhất là trong những khi chúng ta gặp khó khăn, đau khổ, khi chúng ta bước đi trong đêm tối của Đức Tin.
Ðức Giêsu tiên báo: vì Ngài mà các môn đệ sẽ bị bách hại, bị ghét bỏ, ngay trong gia đình, nơi những người thân thuộc. Nhưng đó là một cơ hội cho sứ mệnh của chúng ta. Ðức Giêsu hứa sẽ trợ giúp các môn đệ khi các ông gặp gian nan khốn khó. Là con người, chúng ta không thể không có những khó khăn, đau khổ…nhưng trong những khó khăn, đau khổ chúng ta được mời gọi làm chứng rằng: Đau khổ có ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta, qua đau khổ chúng được biến đổi và lớn lên…Hình ảnh rõ nét nhất đó là các thánh Tử Đạo Việt Nam mà Chúng ta mới lọng trọng mừng kính hôm qua.

Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn Mầu nhiệm Thập giá là con đường duy nhất để cứu độ con. Xin cho con biết đón nhận đau khổ, khó khăn trong cuộc sống như là điều kiện cần và đủ để con được kết hiệp mật thiết với Chúa. Đồng thời cho con biết kín múc Bí tích Thánh Thể chính là nguồn sức sống và sức mạnh để con đi trọn cuộc hành trinh của con. Amen.





Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

SỐNG NIỀM TIN - CẬY - MẾN THEO GƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM


Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam là giúp ta sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và nhớ ơn Bậc tiền bối đã hy sinh mạng sống mình vì Tình yêu Thiên Chúa. Đồng thời là dịp chúng ta bày tỏ lòng khâm phục và tôn kính các Ngài đã chấp nhận hy sinh và chịu đau khổ là hai dấu chứng chắc chắn để bày tỏ tình yêu.
Trong Phúc Âm, Đức Kitô mặc khải cho chúng ta nghệ thuật sống theo thánh ý Thiên Chúa. Đây là cách sống duy nhất mang lại sự sống viên mãn cho chúng ta.
 Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã yêu mến Chúa Kito theo tinh thần của Thánh Phao-lô: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.(Rm 8, 38-39) Thật tốt đẹp và an ủi biết bao mỗi khi mừng lễ các ngài, là động lực giúp ta trở về nguồn cội của mình “con Rồng cháu Tiên” trong việc tuyên xưng Đức Tin. Chúng ta hãy nghe những lời tuyên tín của các Ngài:
Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Kito, được đón nhận nhành lá tử đạo về tới bến Thiên Đàng (THánh Phê-rô Cao)
Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý
Để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời (Thánh Emmanuel Phụng)

Dù trăng trói gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử (Thánh Phê-rô Quý)

Chúng tôi không phạm tội ác
Không chống lệnh vua, không lỗi luật nước
Chúng tôi chết là vì kito hữu( Thánh Phao-lô Khoan)

Thân xác tôi ở trong tay quan
Quan muốn làm khổ thế nào tùy ý
Nhưng linh hồn tôi là của Chúa
Không có gì khiến tôi hysinh nó được (Thánh Phao-lô Tịnh)
Chính tình yêu Thiên Chúa cuốn hút con tim và làm cho các ngài “tuyên bố Thầy trước mặt thiên hạ”, nghĩa là sống tương quan thiết thân với Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh để nhận ra Khuôn Mặt của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, rạng ngời sự đơn sơkhôn ngoan của Thiên Chúa và để cho con tim chúng ta được chinh phục.
Chúng ta cùng đọc

TIN MỪNG (Mt 10, 16-22)
Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
17 "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ.18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.
19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì:20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.
LỜI NGUYỆN (Kinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam)
Kính lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam/ xưa đã biết dùng ơn Chúa mà lướt thắng mọi khó khăn khổ cực/ để gieo rắc hạt giống Phúc Âm/ và xây dựng Hội Thánh Chúa trên đất nước Việt Nam. Các Thánh đã can đảm tuyên xưng Đức Tin đến hy sinh mạng sống/ vì lòng yêu mến Chúa và phần rỗi các linh hồn/ nên đáng được hưởng hạnh phúc trên trời.
Chúng con xin hiệp ý cùng các Thánh mà tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria/ Nữ Vương các Thánh Tử Đạo/ đã ban cho các Thánh được hồng phúc như vậy. Chúng con hoan hỉ ca tụng các Thánh là những hoa tươi đầu mùa cao quí của Hội Thánh Việt Nam.

Xin các Thánh cầu bầu cho chúng con/ là con cháu biết noi gương mà sống đạo Phúc Âm/ thi hành Bác Ái/ trung thành với Hội Thánh và yêu mến Quê Hương. Và khi chúng con gặp khó khăn nguy hiểm/ xin các Thánh giúp đỡ ủi an/ để chúng con đủ sức vâng theo ý Chúa/ cộng tác vào mầu nhiệm Thập Giá cứu độ của Chúa Giêsu/ tiếp tục con đường các Thánh đã đi hầu đạt tới hạnh phúc muôn đời. Amen.

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

NGHÈO KHÓ LÀ CHIA SẺ- CHO ĐI LÀ HẠNH PHÚC

chúng ta cùng xem lại đoạn video clip sau đây:


Quả đúng vậy, cho đi là hạnh phúc. Chính khi cho đi là lúc ta nhận lại. Người đàn ông trong đoạn Video clip được đền đáp bằng tinh yêu của cầu bé ngày xưa đã được ông giúp đỡ. Một câu chuyện đầy tình người và đáng khâm phục.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta một hành ảnh đẹp về bà góa nghèo. Tuy bà nghèo về vật chất nhưng bà lại có một tấm lòng rất giàu có. Tùy bà chỉ cho đi “hai đồng tiền nhỏ” nhưng Chúa Giêsu đã khẳng định: “bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người… bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình". Bà dâng cho Chúa tất cả những gì mình có thì ngay tức khắc bà đã nhận ngay Chúa là tất cả của cuộc đời bà.
Con người trong xã hội nào cũng thế, tình bạn, tình yêu và tình người có khi được đánh giá theo giá trị của cải vật chất. Người giàu có được trọng vọng, người nghèo khổ không ai quan tâm.
Thiên Chúa đánh giá không dựa vào của cải vật chất nhưng là tấm lòng . Bà góa nghèo chỉ có “hai đồng tiền nhỏ” nhưng trở nên người được Chúa Giêsu quan tâm. “Thầy bảo thật:bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người” để được Chúa quan tâm ta hãy làm tất cả vì tình yêu. Nều mọi suy nghĩ,hành vi và thái độ của chúng ta đều xuất phát từ con tim. Thiên Chúa vui nhận cái “tất cả” của chúng ta. Ngài không thích nhận cái dư thừa của kiêu hãnh, khoe khoang và ích kỷ…
Chúng ta cùng đọc lại đoạn Tin Mừng một lần nữa như là một lời tâm sự Chúa Giêsu muốn nói riêng cho  từng người chúng ta.
PHÚC ÂM: Lc 21, 1-4
"Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: "Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình".

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, xin cho con có tinh thần nghèo khó của Tin Mừng. Vì đó một phương thế sống để chia sẻ,yêu thương. Hơn nữa, con muốn được bước vào không gian của đức mến vốn không bao giờ mất được. Đó là chính Chúa để nơi đó con xin dâng tất cả tâm hồn và thân xác rách nát của con nữa . Amen





CHÚA GIÊSU VUA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT




SUY NIỆM

Trong sinh hoạt thiếu nhi có trò chơi: “Ta là vua”. Trong sinh hoạt vòng tròn, Khi quản trò chỉ vào ai, thì người đó giơ tay lên và nói: “Ta là vua”. Ngay tức khắc hai người đứng hai bên trả lời và kèm theo điệu bộ bái phục: “ muôn tâu bệ hạ”. Chỉ qua trò chơi thôi, chúng ta cũng hiểu được rằng: khi nói đến vua, tự nhiên trong đầu chúng ta nghĩ ngay vua là người có quyền cao chức trong, giàu sang phú quý…
Hôm nay, Chúa Nhật kết thúc của năm Phụng vụ, Giáo hội cho ta thấy đích đến của người kito hữu là tin nhận Chúa Giêsu là vua. Vua của Tình yêu. Trong sách Đaniel khẳng định:"Quyền năng của Ngài là quyền năng vĩnh cửu, không khi nào bị cất mất; vương quốc của Ngài không khi nào bị phá huỷ".
Hôm nay chúng ta được mời gọi chiêm ngắm con đường “ thăng quan tiến chức” của Vua Giêsu. Cung điện của Ngài là hàng bò lừa, Ngài đến với nhân loại trong thân thể  là “một trẻ sơ sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ"(LC 2, 12 ).
Cuộc đời của Ngài ẩn dật, âm thầm, đơn sơ hằng vâng phục Cha mẹ và tiến tới trong sự khôn ngoan và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Khi bước vào đời sống công khai, Ngài đã khẳng định: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tưa đầu”. Con đường Ngài đi là Thánh ý THiên Chúa Cha và cũng là  " Lương thực" của chính Ngài.
Phút đăng quang của Ngài chính là Mầu nhiệm Thập giá.
Khi Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng: Tôi là Vua", nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".
Quả thực Chúa Giêsu là vua. Vua Tình Yêu, Khi Ai tôn nhận Ngài là Vua thì người ấy sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài và được hạnh phức viên mãn. Con đường và cuộc sống của Ngài… là một lời mời gọi khi chúng ta tin nhận, bước theo và dấn thân vì Ngài thì chúng ta sẽ là thần dân của Ngài. Vì Ngài là cứu cánh".
Chúng ta hãy đọc lai đoạn Tin Mừng, để trả lời: Giờ này Đức Kito là ai?

PHÚC ÂM: Ga 18, 33b-37

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?"
Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này".Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?"
Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi".
Chúa Giêsu làm vua không phải là để thống trị, để biểu dương lực lượng hay quyền hành nhưng là vua của lòng trắc ẩn và thương xót. Ngài làm vua để phục vụ chứ không để được ngươi khác phục vụ.
Lễ Chúa Kito là vua vũ trụ là cơ hội để chúng ta chất vấn lại chính mình. Tôi có đón nhận Chúa Giêsu là vua của tôi không? Hay Ai là vua trong cuộc sống tôi?



LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu là Vua của lòng con, xin cho con luôn biết lắng nghe, yêu mến và phụng thờ Chúa. Nhất là cho con luôn can đảm, dấn thân đi vào con đường của Chúa, qua mọi biến cố trong đời sống của con, để con luôn cảm nhận Chúa là  nguồn bình an trong khi con hoang mang, nghi ngại, là ánh sáng chiều soi trong đêm tối đời con; là danh y tốt lành an ủi và chữa lành trong mọi đau đớn của con, để con được nên một với Chúa  trong mầu nhiệm Thập giá hầu con cũng được hưởng niềm vui Phục Sinh với Ngài. Amen.