Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

SỨC MẠNH VẠN NĂNG TỪ LỜI CHÚA

Thứ ba, sau Chúa Nhật XXII Thường Niên
1/9/2015

SỨC MẠNH VẠN NĂNG TỪ LỜI CHÚA
(Lc 4,31-37)

" Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui, trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời con".

Quả thật, Lời Chúa có một sức mạnh vạn năng, có thể thay đổi tất cả và ban cho chúng ta sự sống vĩnh hằng. Đoạn Lời Chúa Lc 4,31-37 hôm nay sẽ cho chúng ta hiểu hết được ý nghĩa về sức mạnh của Lời Chúa.

Tin Mừng theo Thánh Luca
Bấy giờ, Đức Giê-su xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: "Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!" Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!" Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.

Lời Chúa hôm nay thật có sức mạnh phi thường. Lời của Chúa khiến ma quỷ khiếp sợ. Chúa Giê-su chỉ quát mắng một tiếng: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Với hành động Chúa trừ quỷ hôm nay, khiến mọi người, ai nấy đều sửng sốt và kinh ngạc. Họ thật không hiểu nổi: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!". Chúa Giê-su giảng dạy và hành động không giống như các bậc kinh sư hay bậc thầy nổi tiếng, Chúa Giê-su độc lập và tự do giải thích và ứng dụng luật pháp.
Lời Chúa trong Tin Mừng Thánh Luca cho thấy rõ bản tính Thiên Chúa trong nhân tính của Chúa Giê-su. Không chỉ đơn thuần Ngài là con bác thợ mộc và bà Maria ở Na-za-rét, mà là Đấng Thánh của Thiên Chúa đang đồng hành và hiện diện giữa loài người.

Chúa Giê-su Ngài đến trần gian để mang ơn cứu độ cho con người và muốn con người sống hạnh phúc. Chính bản thân con cũng đã từng cảm nếm được sự bình an và ngọt ngào từ Lời Chúa. Lời Chúa đã giúp con đứng dậy sau mỗi lần té ngã. Lời Chúa đã đem lại cho tâm hồn con sự bình an, khi con tràn đầy nỗi lo âu và thất vọng. Con cám ơn Chúa , vì Chúa đã ban Lời hằng sống cho con. Xin Lời Chúa hãy tiếp tục gìn giữ con, để con khỏi sa vào cạm bẫy của ma quỷ và con mãi được sống bình an, hạnh phúc trong tình yêu Chúa.



LỜI NGUYỆN
Lạy Cha, con cảm ta Cha vì Cha đã ban Lời Hằng Sống cho con. Đó chính là Chúa Giêsu con Cha. Xin Cha ban cho con niềm tin và lòng mến để con khao khất để cho Lời của Cha hướng dẫn và chiếm đoạt cuộc đời con. Amen.


Nt. Têrêsa Đinh Thị Mộng Tú, SPP

ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊSU- ĐÓN NHẬN NGUỒN YÊU THƯƠNG

Ngày 31 tháng 08 năm 2015
Thứ hai, sau Chúa Nhật XXII Thường Niên


ĐÓN NHẬN ĐỨC GIÊSU- ĐÓN NHẬN NGUỒN YÊU THƯƠNG

(Lc 4, 16-30)


Con người ngày xưa và ngày nay có cùng một não trạng. Đó là thích cái mới lạ, thích tin tức "hot"...Cái cũ dù có hay, có giá trị hơn con người không màng tới. Họ muốn tìm cho mình một thần tượng theo ý mình muốn. để chứng minh điều đó  tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần Chùa gọi bụt bằng anh". Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói một cầu thật chí lý: "không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình". (Lc 4, 24)
Và Bài Tin Mừng hôm nay là là cơ hội giúp ta điều chỉnh lạ thái độ kính trọng, yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với nhau.
LỜI CHÚA:
 16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe."22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
23 Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! "24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM
... Điều làm cho chúng ta phải kinh ngạc đó là, thay vì qua việc đích thân biết rõ thân thế Đức Giêsu, họ sẽ dễ dàng tin nơi căn tính thần linh của Ngài, thì chính sự hiểu biết này lại ngăn cản họ tin vào Đức Giêsu. Chính vì thế mà Đức Giê-su nói : « Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình ». Và điều này vẫn còn xẩy ra hôm nay, vì có những người nghiên cứu cuộc đời Đức Giêsu ; nhưng nghiên cứu một hồi thì mất đức tin ! Tại sao lại như vậy ?
Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giê-su vào bình diện của những điều họ đã biết, nghĩa là bình diện kiến thức. Trong khi đó, căn tính thần linh của Ngài chỉ có thể là đối tượng của lòng tin : lòng tin đến từ kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Người, sống nhờ Người và bởi Người, và đến từ lòng khao khát Thiên Chúa và nhận ra, cảm nếm dấu vết Thiên Chúa nơi ngôi vị lạ lùng của Ngài trong tương quan với sáng tạo và lịch sử. Và căn tính thần linh của Đức Giê-su sẽ rạng ngời nhất nơi mầu nhiệm Vượt Qua, như viên Đại Đội Trường Roma đã tuyên xưng khi chứng kiến cách Đức Giê-su chịu thương khó : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa ».
Còn một lý do khác nữa, khiến cho họ không thể đón nhận Đức Giê-su, đó là lòng ghen tị. Người ghen tị không chấp nhận sự khác biệt ; họ ham muốn và muốn sở hữu tất cả những điều tốt mà người khác có. Nhưng điều này là không thể được ; và thay vì bình an đón nhận sự khác biệt, họ tìm cách phá hủy những điều tốt nơi người khác ; hay ít nhất, cảm thấy vui mừng và hả hê khi người khác bị tai họa. Và đó chính là thái độ ghen gị của những người lắng nghe Đức Giê-su trong Tin Mừng. Trước hết, họ lắng nghe Đức Giê-su với lòng thán phục ; nhưng sau đó, họ muốn Đức Giê-su cũng làm những gì mà Ngài đã làm ở những nơi khác : « Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! » Và dường như Đức Giê-su cố ý làm cho lòng ghen tị này phải lộ ra với tất cả sức mạnh hủy diệt của nó, khi kể lại chuyện của các ngôn sứ Elia va Elisa. Hơn nữa, Đức Giê-su đã so sánh số phận của mình với số phận của các ngôn sứ : « không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. »
Quả thực, khi nghe Đức Giê-su nhắc lại chuyện cũ xong, và vì họ không có ngay được điều họ đòi hỏi, họ quay ra phẫn nộ ; sự phẫn nộ này tất yếu dẫn đến bạo lực : « Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực ». Như thế, hành vi phá hủy là điểm tới tất yếu của lòng ghen tị. Và những gì xẩy ra ở Nazareth đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi.
Nhưng thay vì trả đũa bạo lực bằng bạo lực, Đức Giê-su « băng qua giữa họ mà đi. » Trong mầu nhiệm Thương Khó cũng vậy, Đức Giêsu thinh lặng vượt qua giữa cơn lốc phản bội, ghen tị, sỉ nhục, gian dối, bạo lực để đi qua bờ bên kia của sự sống mới.
Đó là cung cách của mầu nhiệm Vượt Qua, và cũng là cung cách của tình yêu, như Thánh Phao-lô nói : « Tình yêu chịu đựng tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, kiên nhẫn tất cả ». Đó chính là dấu vết thần linh được tỏ hiện nơi ngôi vị của Đức Giê-su, dành cho những ai khao khát Thiên Chúa để dẫn họ đến lòng tin và sự sống.

(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc SJ)

CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu là suối nguồn của tình yêu, Chúa là Thiên Chúa Thật và là người thật. Chúa đã chọn cách làm người để đến với chúng con, ở giữa chúng con và muốn nên một với chúng con. nhưng vì so sánh hơn thua và ghen tỵ nên chúng con đã đẩy Chúa ra khỏi cuộc đời mình cho dẫu Chúa đã dành trọn cuộc đời để bày tỏ tình yêu cho nhân loại chúng con. Chúa đã hiến dâng cuộc đời để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại chúng con. nhưng chúng con đã không nhận ra. Chúng con xin lỗi Chúa và xin ơn tha thứ của Chúa.
Xin cho chúng con luôn biết mang niềm vui, sự ủi an, nâng đỡ đến cho mọi người. Xin dạy chúng con biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.




Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

THÁNH AUGUSTINO -Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

 THỨ SÁU.28.08.2015

St. Augustinus of Hippo
Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
(354-430)
Related image 
Aurelius Augustinus sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, Numidia thuộc Bắc Phi Châu. Cha Ngài là người ngoại giáo, mẹ Ngài là Thánh nữ Monica.
Nhận thấy Augustinô sáng trí và có nhiều triển vọng nên cha mẹ Ngài  quyết định cho Ngài theo đuổi việc học tới cùng. Nhưng tại kinh thành Carthage, Augustinô bị tiêm nhiễm bởi nếp sống trụy lạc sa đoạ và chạy theo những tư tưởng lạc giáo Manichaeans trái nghịch với đức tin Công Giáo. Mẹ Ngài hết sức đau buồn và bà hằng cầu nguyện cho Ngài.
Sau những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô chán ngán và rơi vào một tình trạng cô đơn, sầu muộn tột độ. Chính trong lúc ấy, Chúa đã đến gõ cửa lòng Ngài; chỉ một câu Thánh kinh: "Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô" đã khiến đời Ngài chuyển hướng hoàn toàn. Ngài bắt đầu nghiên cứu giáo lý Công Giáo, theo sự chỉ dẫn của Thánh Giám mục Ambrosiô ở Milan và Ngài đã được rửa tội năm 387, lúc đó Ngài đã 33 tuổi.
Mẹ ngài qua đời, ngài trở về Carthage (Phi Châu) và bán hết tài sản cho người nghèo, sống một cuộc đời khổ hạnh và sám hối trong một dòng tu. Sau đó Ngài được đề cử làm Giám Mục thành Hyppo năm 396. Sự khôn ngoan và thánh thiện của Ngài đã giúp cho Giáo Hội Phi Châu tiến triển rất nhiều. Ngài còn để lại những bộ sách quý giá về thần học, minh giáo và chú giải Thánh kinh. Trong suốt khoảng thời gian làm Giám Mục, Ngài còn thể hiện một tinh thần khiêm tốn và tình huynh đệ bác ái tuyệt hảo đối với các Linh Mục dưới quyền Ngài.
Thánh nhân qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo, hưởng thọ 76 tuổi. Mộ thánh nhân được an vị trong VCTĐ San Pietro tại Cielo d’Oro, Pavia thuộc miền Bắc nước Ý,  nơi giữ hài cốt của thánh Augustinô kể từ năm 725. (Trích Gương Thánh Nhân)

TIN MỪNG:  Matthêu 25, 1-13
1 "Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể.2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn.3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo.4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.6 Nửa đêm, có tiếng la lên: "Chú rể kia rồi, ra đón đi! "7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn.8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi! "9 Các cô khôn đáp: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn."10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với! "12Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả! "13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

SUY NIỆM

 Đọc lại cuộc đời Thánh Augustino dưới ánh sáng Lời Chúa hôm nay – Tin Mừng Matthêu 25, 1-13. Năm cô dại và năm cô khôn đi đón chàng rể. Chỉ có năm cô khôn chuẩn bị đủ đèn – dầu thì mới được vào đồng bàn với chàng rể, còn năm cô dại lầm lũi ở lại bên ngoài – hậu quả của sự thiếu tỉnh thức. Tìm hiểu về Thánh Augustinô, ban đầu tôi đã sợ hãi bởi con người sa đà và trụy lạc của Ngài; và tôi cũng mường tượng cái kết bi đát của năm cô dại trong Tin Mừng Matthêu hôm nay cũng là cái kết của Ngài. Thế nhưng, Thiên Chúa đã làm điều kỳ diệu nơi Ngài, Ngài đã kịp tỉnh thức và thực hiện một cuộc trở về ấn tượng chấn động lòng người. Chuyện của Ngài đã xảy ra cách đây gần 1700 năm nhưng tôi như cảm thấy nó sống động mới mẻ như vừa xảy ra hôm nay vậy bởi vì tôi nhận thấy con người ngày nay đang tự gieo mình vào cõi hủy diệt khi mải mê trong lạc thú và hư vinh. Điều này tôi cũng cảm nghiệm tận thâm sâu tâm hồn mình bởi tôi cũng mang trong mình những ham muốn xác thịt, thèm khát hư vinh, vật chất phù phiếm…. và nhất là sự giả điếc làm ngơ trươc tiếng gọi đầy trìu mến yêu thương của Chúa. Tôi tạ ơn Chúa vì nhờ gương sống của Thánh Nhân mà tôi thêm vững tâm để làm lại cuộc đời.

          * Lúc này đây tôi muốn dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ vì Chúa đã giựt tôi ra khỏi bóng đêm mê lầm của lỗi tội và rồi cho tôi được bừng tỉnh trong tình yêu chói sáng của Ngài. Tôi xin mượn lời của Thánh nhân để cầu nguyện cùng Chúa vì tôi tin rằng lúc này đây không lời cầu nguyện nào đẹp bằng lời cầu nguyện của Thánh nhân để bộc lộ tâm tình của tôi:

CẦU NGUYỆN

“Lạy Chúa, 
Thật quá trễ để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài! Và đây, Ngài ở bên trong, và con ở bên ngoài, và con đi tìm Ngài; con bị méo mó, đắm chìm trong những hình dạng đẹp đẽ mà Ngài đã dựng nên. Ngài ở với con, nhưng con không ở với Ngài. Nhiều thứ đã giữ con xa Ngài -- những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài, thì chẳng là gì cả. Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng vào sự mù quáng của con. Ngài thở hương thơm và con bị lôi cuốn -- và con khao khát Ngài. Con đã nếm thử, và con đói khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng cháy vì sự bình an của Ngài" (Tự Thú của Thánh Augustine)
Nt. Anna Nguyễn Thị Lệ Thảo SPP



Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

MÔNICA - NGƯỜI MẸ PHI THƯỜNG

SUY NIỆM THỨ NĂM NGÀY 27.08.2015

Mt 24,42-51

MÔNICA - NGƯỜI MẸ PHI THƯỜNG



ĐÔI NÉT VỀ THÁNH NỮ MONICA

 Thánh Mônica (332 – 387) thân mẫu của thánh Augustinô, là gương mẫu của các bà vợ và nhất là các bà mẹ Kitô giáo. Mônica được sinh ra trong một gia đình công giáo đạo đức ở Tagaste ( nay thuộc Algérie, Bắc Phi). Được lớn lên trong gia đình đạo đức, Mônica sớm biết sống quảng đại yêu thương người nghèo hơn thế nữa Mônica thường tìm chỗ vắng vẻ để thân mật thưa chuyện với Chúa. Năm 22 tuổi Mônica vâng lời cha mẹ kết hôn với Patricius thuộc dòng dõi quý phái nhưng tính tình xấu xa, ngang ngược, độc ác và lại hơn Mônica cả hai con giáp. Tuy nhiên, Mônica đến nhà thờ mỗi ngày và học biết cách sống trong nhẫn nhục. Thánh nữ đã nói với những phụ nữ không may mắn trong hôn nhân: “Nếu có thể cầm giữ miệng lưỡi mình, không chỉ bạn có thể tránh bị bạo hành, mà có thể, một ngày nào đó, hoán cải chồng bạn trở nên một người tốt”. Chỉ trong thời gian ngắn thánh nữ đã giành được tình cảm của mẹ chồng. Và rồi một năm trước khi mất, Patricius chồng bà đã đến với đức tin Kitô giáo. Song song  nỗi lo cho chồng thì thánh nữ phải đối diện với người con trai đầu lòng thông minh, tài giỏi nhưng lại đắm mình trong lạc thú và đi theo tà giáo nhị nguyên. Thánh nữ đã không bỏ rơi con mà lại càng thống thiết rơi lệ nhiều hơn để cầu nguyện cho người con tội lỗi của mình. Và chính một  vị giám mục khi chứng kiến nỗi đau của thánh nữ đã nói : “Không thể nào một người con được bao bọc bởi quá nhiều nước mắt của người mẹ lại có thể bị hư mất.”. Và quả thật, giọt nước mắt khẩn cầu của thánh nữ đã được Thiên Chúa nhậm lời và ban cho Augustinô ơn hoán cải từ tâm, ơn đổi mới tâm hồn, ơn làm đẹp con tim để nên một con người hoàn toàn thuộc về Chúa. Sau khi Augustinô được thánh giám mục Ambrosiô rửa tội, thánh nữ Mônica qua đời năm 387 và được an táng tại Otti.

LỜI CHÚA:  MT 24. 42 -51


42 "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.43 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu.44 Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.


45 "Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc?46 Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy.47 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.48 Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: "Còn lâu chủ ta mới về",49 thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa,50 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết,51 và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."

SUY NIỆM·         Nhìn cuộc đời thánh Mônica trong bối cảnh bài Tin mừng hôm nay thì quả thật thánh nữ là một mẫu gương tỉnh thức cho chúng ta. Ngài đã từng giây phút sẵn sàng đối diện với Thiên Chúa khi từng ngày sống trong đau khổ với một niềm tin không chuyển lay. Ngài cũng đã hoàn tất vai trò đầy tớ trung tín và khôn ngoan của Thiên Chúa chủ nhân khi chu toàn nhiệm vụ người con dâu, người vợ, người mẹ mang niềm tin Kitô giáo trong một gia đình ngoại giáo với nhiều đau thương. Chính thánh nữ đã từng răn dạy Augustinô khi ông còn trong tội lỗi rằng : “Con đang phí phạm nén bạc mà Thiên Chúa đã ban cho con”. Với một người đầy tớ tín trung như thế Thiên Chúa chẳng thể làm gì khác hơn đó là cho ngài được vào chung hưởng hạnh phúc vinh quang trong Nước Trời với Người. Vì Thánh nữ là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan... 


·        Lạy Thánh nữ Mônica, trong xã hội hôm nay người phụ nữ Kitô giáo đang phải đương đầu với rất nhiều thử thách, xin thánh nữ cầu cùng Chúa ban cho họ luôn có tâm hồn thánh thiện và đạo đức như thánh nữ để được trở nên người vợ người mẹ gương mẫu trong các gia đình. Xin Thánh nữ cũng chuyển cầu cho các bà mẹ công giáo luôn biết nêu gương sáng cho con cái trong đời sống để con cái nhiệt thành mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen

Nt. Anna Nguyễn Thị Lệ Thảo  SPP

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

ĐA MINH VỊ THÁNH CỦA LÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ



Related image
ĐA MINH VỊ THÁNH CỦA LÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.
Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.
Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.
Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.
(Trích sách Lẽ Sống)
Chúng ta cùng đọc:

 TIN MỪNG Mat-thêu 17, 14-20

Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được." Đức Giê-su đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi." Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.
 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? " Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

SUY NIỆM

Trong xã hội hôm nay đang bị bè rối tục hóa và hưởng thụ hoành hành. Nó đang len lõi khắp mọi nơi kể cả đời sống của người sống đời Thánh Hiến. Vì thế, chúng ta  người Tu sĩ nói riêng và  người Kito hữu nói chung phải minh chứng cho Tin Mừng cách thiết thực. Khi chúng ta sống yêu thương, lắng nghe và phục vụ mọi người trong trong tinh thần tôn trọng, sẵn sàng và khiêm tốn... Phục vụ trong yêu thương làm cho đời sống Đức Tin của chúng ta được bén rễ sâu trong Chúa Kitô và thấm sâu trong tình yêu tha nhân. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia! " nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

Nhờ đức tin của người Cha mà người con được chữa lành, ông kiên nhẫn dù các môn đệ không chữa được. Đó là cơ hội để ông đến trực tiếp với Chúa Giêsu . Ông đến với tâm hồn tin tưởng khiêm tốn: “Ông quỳ lạy van xin Chúa cứu con mình: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi.” Sức mạnh của lòng tin là sự khiêm tốn. khiếm tốn là khí cụ giúp ta đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì khiêm tốn là tin tưởng là phó thác là đón nhận và yêu mến.
Thánh Đa-minh mà Giáo hội kính nhớ hôm nay, Ngài có lòng khiêm tốn, yêu mến Thiên Chúa qua sự bảo trợ của Mẹ Maria. Vì thế Ngài được mang danh hiệu “vị thánh của lòng yêu mến đức Mẹ”. Noi gương Thánh nhân hãy sống yêu mến, khiêm tốn tín thác vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài đã cúi xuống xoa dịu, giải thoát và cứu độ con người.
CẦU NGUYỆN

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngài là nguồn sống, nguồn yêu thương đích thực của con. Xin cho con luôn khiêm tốn đến với Chúa và ở lại với Chúa trong cầu nguyện để con được đón nhận mọi ơn lành của Chúa. Đồng thời xin cho con biết mở lòng ra với tha nhân trong phục vụ và yêu thương để trong từng giây phút con biết tận dụng làm cho đời sống thêm giá trị hơn. Amen.

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

GIÁ TRỊ CỦA KHỔ ĐAU

Ngày 07 tháng 08 năm 2015
Thứ  sáu, sau Chúa Nhật XVIII Thường Niên


Related image
GIÁ TRỊ CỦA KHỔ ĐAU

Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...
Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.
Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: "Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi".
Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: "Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt".( Lẽ Sống)
TIN MỪNG (MT 16, 24-28)
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
27 "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị."
 SUY NIỆM
Trong cuộc sống, một sự việc xảy ra chúng ta thường có cái nhìn thiện cẩn và phân biệt: tốt và xấu, thiện và ác... ai làm điều tốt chúng ta ca ngợi, ai làm điều xấu chúng ta chê bai chứ không biện phân và nhìn cách thấu đáo. Từ đó chúng ta tỏ thái độ: thương - ghét; khen - chê...
Chúa Giêsu có cái nhìn chân thành, thiện cảm và yêu thương. Những người tội lỗi Chúa yêu thương, tha thứ và chọn làm bạn hữu và đồng bàn với họ. Ngài không thành kiến, không dán nhãn cho một người nào, mà chỉ bằng thái độ yêu thương, cử chỉ, cảm thông và gần gũi, nơi Ngài không có hàng rào tốt và xấu, bạn và thù, giàu và nghèo... Trong Ngài tất cả nên một và yêu thương, tất cả là anh chị em với nhau, là con một Cha trên Trời.


Chúa Giêsu là mẫu gương cho ta về đời sống vâng phục và nhận lấy đau khổ. Nhờ Chúa Giêsu và nhờ Thập Giá của Ngài mà đau khổ của ta có giá trị và ý nghĩa. Chúa Giêsu chịu đau khổ và chết trên Thập Giá không phải là để đề cao đau khổ mà chính là bày tỏ Tình Yêu Nhưng Không và Tự Hiến của Thiên Chúa. Chính vì thế, Đau khổ không hủy hoại nhưng thanh luyện chúng ta. Trong mầu nhiệm Thập Giá chúng ta được biến đổi và đón lấy nguồn Yêu Thương và Ơn Cứu Độ. 

Chúng ta hãy mặc lấy tâm hồn của Người tín đồ Ấn giáo " bản chất của con người là cứu vớt". Hơn nữa là môn đệ của Chúa Giêsu chúng ta hãy học nơi Ngài lòng yêu thương tha thứ. Dùng đau khổ làm hành trang kết nối yêu thương và tha thứ.

 Bài hát: Ai Muốn Theo Ta

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, xin cho con ý thức rằng: "Tình yêu thật chỉ vươn lên từ Thập Giá". Xin cho con luôn đón nhận đau khổ trong cuộc sống với tâm hồn bình an và tín thác. Vì con tin rằng Chúa luôn ở với con để giúp đỡ con sống trọn thập giá của đời con. Amen.  



Lễ Chúa Hiển Dung,

Ngày 06 tháng 08 năm 2015
Lễ Chúa Hiển Dung, năm B




« Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là hay ! »



TIN MỪNG (Mc 9, 2-10)
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

 SUY NIỆM


Lễ Chúa biến hình tạo cho ta một khung cảnh ở trên núi cao. Trong đời sống tâm linh khi nói đến núi cao chúng ta nghĩ ngay một nơi chốn linh thiêng và riêng biệt.
Trong đời sống ơn gọi của một kito hữu, chúng ta cũng được Chúa mời gọi, được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới « ngọn núi cao » biểu tượng, nghĩa là tới nơi Thiên Chúa tỏ hiện và ngỏ lời với chúng ta, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống của chúng ta, qua đó, có thể ca tụng và tạ ơn Chúa, và cũng để xin Ngài chữa lành, soi sáng, thêm sức và tái tạo chúng ta, và có khi một cách đơn sơ, để ở với Ngài một cách nhưng không. Cuộc sống của chúng ta vốn đầy thách đố đủ loại, vì thế, chúng ta cần cùng với Chúa, đi riêng ra một nơi, lên ngọn núi cao.
Thật ra, những lúc đi riêng ra một nơi với Chúa, Chúa vẫn yêu thương cách nhưng không, nhưng chúng ta lại thường không đón nhận cách quảng đại như một ơn huệ Chúa ban. mà chúng ta tránh né hay than phiền, chán nản và có khi bỏ cuộc. Hãy tập sống riêng biệt với Chúa các sâu đậm và thân thiết
  •  Đó là thời gian cầu nguyện cá nhân hằng ngày.
  •   Đó là thời gian chúng ta dâng Thánh Lễ, đọc kinh Phụng Vụ, thời gian chúng ta cầu nguyện chung với nhau.
  •   Đó là thời gian lắng nghe, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ tất cả những ai cần đến ta.


Ước gì trong những lúc « đi riêng ra một nơi » với Chúa, chúng ta cảm nếm được bình an, niềm vui và hạnh phuc để có thể nói : « Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ».


https://www.youtube.com/watch?v=vTs1E2CXtls

LỜI NGUYỆN
Lạy chúa Giêsu, trong ngày lễ kinh chúa Hiển Dung như là cơ hội để cho con xác tín hơn nữa, mỗi ngày sống của con là mỗi ngày con lên núi với chúa và sống kết hợp thân tình với Chúa hơn qua đời sống cầu nguyện và cử hành các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể để con được nên một với chúa trong tình Yêu. Amen.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

THỬ THÁCH LÀ HÀNH TRANG CỦA NIỀM TIN

Ngày 05 tháng 08 năm 2015
Thứ tư, sau Chúa Nhật XVIII Thường Niên



THỬ THÁCH LÀ HÀNH TRANG CỦA NIỀM TIN



Một con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái cốc lớn không có nắp, cũng sẽ ở đó cho đến khi chết, trừ phi chúng ta lôi nó ra. Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà cứ khăng khăng cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt bên, hoặc qua… đáy cốc. Nó sẽ tìm một con đường ở nơi mà không có con đường nào tồn tại, cho đến khi nó hoàn toàn tự hủy hoại mình.


Theo rất nhiều cách, chúng ta cũng giống như con ong nghệ. Chúng ta vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối và tuyệt vọng của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể một giải pháp ở rất gần, chỉ cần chúng ta nhìn lên cao hơn – hay nhìn hướng tới phía trước.
Nhìn ngược lại có thể khiến bạn buồn bã. Nhìn quanh có thể khiến bạn lo lắng. Hãy nhìn lên cao, và nhìn tới phía trước, đó là cách sống lạc quan. Và tinh thần tích cực, nhiều hy vọng chính sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp trong hầu hết các trường hợp.
Trở lại với người mẹ đau khổ trong bài Tin Mừng, Bà đã có cái nhìn thật tuyệt vời. Chúng ta chắc chắn rất ngạc nhiên, vì thái độ của Đức Giê-su:
Ø Khi nghe bà kêu xin lần đầu, “Người không đáp lại một lời”!
Ø Lần thứ hai, khi các môn đệ chỉ xin Ngài cho bà về thôi, thì Ngài trả lời: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”!
Ø Và lần thứ ba, khi bà kêu xin một lần nữa, cách Ngài trả lời có thể không chỉ làm nản lòng, mà con làm mất lòng người nghe: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”!
Chúng ta có thể tự hỏi, tại sao Đức Giê-su lại có phản ứng từ chối càng lúc rõ ràng và mạnh mẽ như thế? Thái độ của Đức Giê-su làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng lòng tin mạnh mẽ và khôn ngoan của bà cũng phải làm cho chúng ta ngạc nhiên: lòng tin mạnh mẽ, vì bà kiên trì kêu xin, như chính Đức Giê-su xác nhận: “này bà, lòng tin của bà mạnh thật”; lòng tin khôn ngoan, vì bà dựa vào chính Lời Chúa để diễn tả lòng ước ao của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”! Trong lời nói tuyệt vời này của người mẹ, lời nói khiến Đức Giê-su phải động lòng, chúng ta còn nhận thấy thái độ khiêm tốn không ghen tị: bà tự nhận mình là thân phận dân ngoại và không ghen tị với dân được chọn là Israel. Từ nơi cùng cực của tâm hồn bà đã nhìn lên đúng nơi và đúng chỗ. Bà chấp nhận thân phận “chó con”.
Khiêm tốn không ghen tị, đó chính là tâm tình sâu xa mà Chúa chờ đợi nơi bà, nơi mọi người chúng ta, khi trong lịch sử cứu độ, Chúa ưu tiên đi vào tương quan với một dân tộc, với một số người được tuyển chọn, để qua đó bày tỏ cho chúng hiểu, thế nào là tình yêu Thiên Chúa, vì tình yêu chỉ có thể được diễn tả và được hiểu trong tương quan một-một; và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên mọi người được mời gọi “khiêm tốn không ghen tị”, mở lòng ra để đón nhận cũng một tình yêu thương xót như thế, được ban cho từng người, vốn là “những người ngoại”, như người phụ nữ có lòng tin mạnh mẽ. Kế hoạch yêu thương như thế của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Ki-tô, nơi Người, không còn phân biệt Do thái và dân ngoại, tự do và nô lệ, người nam và người nữ… Những gì Đức Giê-su thực hiện cho người mẹ đã loan báo sự hoàn tất này, sự hoàn tất mà chính Đức Giê-su sẽ thực hiện ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua.
Chúng ta hãy đọc lại đoạn Tin Mừng để được đánh động và xác tín hơn về lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta, không làm ta thất vọng nhưng luôn biết nhìn lên tin tưởng, kêu cầu và tín thác nơi Ngài cách trọn vẹn.

TIN MỪNG (Mt 15, 21-28 )

  Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! " 23 Nhưng Người không đáp lại một lời


Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi." 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! " 26 Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." 27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.


LỜI NGUYỆN:
Lạy Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, Con tin rằng cuộc đời con được đặt trong kế hoạch yêu thương của Cha. Xin cho con vững tin, kiên nhẫn và khiêm tốn trong mọi gian nan thử thách. Vì thử thách chính là hành trang làm mới đời sống Đức Tin của con. Đồng thời cho con biết quan tâm, chia sẻ cảm thông những đau khổ của mọi người sống chung quanh con. Amen





TÌNH của MẸ

Thứ tư ngày 5 tháng 8 năm 2015
sau Chúa nhật XVIII thường niên



TÌNH của MẸ

Tất cả mọi người mẹ trên thế gian này đều yêu thương con của mình, và chính nhờ tình thương của mẹ mà người con được lớn lên, được trưởng thành. quả thật đúng:  “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ…” 
Những câu chuyện của đời thường kể về tình mẫu tử thật đẹp và câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay vẽ bức chân dung của người mẹ thật tuyệt vời.

TIN MỪNG (Mt 15, 21-28 )
21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! " 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.



24 Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi." 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! " 26 Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." 27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.



Related image
Suy Niệm: Hành trình rao giảng của Đức Giê-su ở khắp nơi trong đất nước Palestina là hành trinh của Tin Mừng, hôm nay Chúa lui về miền Tia và Xi-đôn, gần vùng đất Canaan, vùng đất của dân ngoại. Nơi đây một biến cố xảy ra đánh dấu một chặng đường rao giảng đầy lòng thương xót của Chúa Giê-su: Một phụ nữ ngoại giáo đến kêu xin Chúa Giê-su chữa lành cho con gái bà, vì nó đang bị quỷ ám.“Lạy Ngài là Con Vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!”. Lời kêu van của bà nói lên lòng tin của bà tin tưởng vào Đấng Thiên Chúa sai đến. Lời kêu van ấy đụng chạm đến Trái tim nhân lành của Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã thử thách bà với câu nói lanh nhạt và coi thường: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con. Nhưng với người phụ nữ, đây lại là cơ hội để xác tín hơn hơn nữa niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Bà nói,"Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống". Thử thách là bậc thang dẫn người có niềm tin đến gần trái tim đầy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa hơn. Câu nói của bà đã di chuyển lòng thương xót của Thiên Chúa cúi xuống đụng chạm lòng khiêm tốn của bà. Đức Giê-su nói: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.". Niềm tin dẫn con người đến sự tự do, đến gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân. Với lòng tin và lòng kiên nhẫn, bà đã được lãnh nhận ơn Thánh từ Thiên Chúa ban xuống cho gia đình bà và con gái bà cách viên mãn.

LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, lòng tin của người mẹ trong đoạn tin mừng này đã đánh động con. Xin Chúa ban cho con ơn Đức Tin để con sẵn sàng đón nhận mọi điều xảy ra trong cuộc sống con là ơn ban từ tình yêu Thiên Chúa.
Con cầu xin Chúa  cho các bậc cha mẹ trong gia đình nêu gương sáng về niềm tin cho con cái, để dẫn dắt con cái mình trong hành trình Đức Tin. Xin Chúa ban cho các bà mẹ đang chăm sóc những  đứa con bệnh hoạn của mình được lòng tin, lòng kiên nhẫn và tình yêu thắm thiết vì biết rằng Thiên Chúa luôn quan phòng yêu thương và chữa lành. Amen

Nt Mr. Barthélémy Huỳnh Thị Ánh Tuyết SPP

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

ĐỪNG SỢ


Thứ ba, ngày 4 tháng 8 năm 2015

ĐỪNG SỢ


                                                        (Mt 14, 22- 36)

"Lo sợ là điều tai hại nhất, phá hoại nhiều hơn cả". Ðó là phát biểu của một y sĩ. Trong quan điểm của vị y sĩ này, lo sợ là kẻ giết người.
Thần thoại Ả Rập kể rằng: Một hôm dịch tả gặp đoàn thương gia tiến về thủ đô Bát-đa. Người dẫn đầu đoàn xe hỏi hắn:
-     Dịch tả đi đâu mà vội vàng thế?
-     Dịch tả trả lời ngắn gọn:
- Ta về Bát-đa giết hại năm nghìn mạng người
Vài ngày sau đó, trên đường từ Bát-đa trở về, đoàn thương gia lại gặp dịch tả. Người hướng dẫn đoàn tức giận mắng hắn:
     - Nhà ngươi nói rằng chỉ giết hại có năm nghìn người, mà bây giờ con số người chết tại Bát-đa lên đến năm chục nghìn. Nhà ngươi thật dối trá.
Dịch tả ôn tồn trả lời:
     - Không, ta nói thật. Ta chỉ giết có năm nghìn người không hơn không kém. Chính là nỗi lo sợ đã giết chết số người đông đảo còn lại đó. 
Nếu trong đời sống tâm linh, sợ hãi sẽ là lối rẽ lệch lạc là cho ta không gặp gỡ Thiên Chúa Đấng luôn yêu thương, nâng đỡ cuộc đời ta. Có khi sợ hãi làm cho ta chìm đắm trong tội lỗi và sự chết. Chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa Giêsu trấn an các mộn đệ của Ngài như thế nào.

Lời Chúa:  Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. 

Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: "Ma đấy! ", và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! " 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." 29 Đức Giê-su bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! " 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? " 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! " 34 Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-rét. 35 Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. 36 Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được khỏi.                                                                        

Suy niệm
Trong cuộc sống hiện tại thường có rất nhiều điều làm cho con sợ hãi, bận tâm. Chính lúc sợ hãi đã làm cho con mất ý hướng, thiếu tin tưởng, khi đó con thường lo lắng, thất vọng, xuống tinh thần, con chạy đôn chạy đáo để tìm người trợ giúp. Nhưng con lại quên mất Chúa, quên rằng mình có một Người Cha luôn ở kề bên sẵn sàng ra tay trợ giúp con bất cứ lúc nào. Vị đó chính là Chúa Giêsu Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng đầy quyền năng trên thiên nhiên và tạo vật: Ngài đã đi trên mặt biển để đến với tông đồ để làm cho các ông tin vào Ngài. Ngài làm cho sóng yên biển lặng…
Chính Tông Đồ Phêrô đã cảm nghiệm điều này thật mạnh mẽ: Bao lâu ông còn tin tưởng, ý thức tập trung lòng trí vào Chúa, thì ông đứng vững trên sóng nước, nhưng khi ông lo lắng sợ hãi và rời xa Chúa thì ông bị chìm. Cũng giống như những người dân ở Thủ Đô Bát – đa chỉ vì sợ mà bệnh dịch tả đã cướp đi sinh mạng của biết bao người. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người con hãy đặt tất cả niềm tin, hãy hướng tâm hồn về Chúa, phó thác cho chương trình mà Chúa dành cho mình. Như thế, khi đứng trước khó khăn con không phải lo lắng, sợ hãi, kêu trách Chúa, bắt Thiên Chúa làm theo ý con mà là để cho quyền năng yêu thương của Ngài được thực hiện trọn vẹn trong cuộc đời ta.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin hãy cất khỏi nỗi lo lắng, sợ hãi ra khỏi con, xin ban thêm Đức Tin cho con và xin cho con luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời con, để trong mọi cảnh huống con biết đặt trọn niềm tin tưởng phó thác trong vòng tay yêu thương của Chúa. hầu  tâm hồn con luôn được bình an vì xác tín Chúa luôn nói với con:          “ Chính Thầy đây, đừng sợ”. Amen