Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

KHỐN CHO CÁC NGƯƠI


LỜI CHÚA: Lc 10, 13-16
Khi ấy Chúa Giêsu nói rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vậy thì, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!
“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Ðấng đã sai Thầy”.

SUY NIỆM:
Thánh vịnh 119 diễn tả: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119 (118) ,105); “Lời Ngài là sức sống của con”  là “ nguồn sống và ơn cứu độ của tôi’ (Tv 26, 1). Khi đọc những lời Thành vịnh này tôi cảm nhận được sự an toàn, an ủi, tìm được sức mạnh, nơi nương tựa…từ Lời Chúa. nhưng Tin Mừng hôm nay cho tôi một cảm giác sợ hãi và hụt hẫng vì những lời “ chúc dữ” của Chúa Giêsu. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradim! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! hỡi Caphácnaum… Thiết nghĩ, Chúa Giêsu cũng đau đớn để thốt lên những lời này, bởi vì Ngày là Đấng hiện thân của lòng thương xót, Đấng đã “ bỏ ngai vàng” để đến với nhân loại khổ đau và giải thoát họ. Vậy mà Ngài lại chúc dữ cho những thành phố lớn này.
Chúa không chỉ chúc dữ tên tuổi của các thành phố nhưng là những con người sống trong thành phố đó. Bởi vì, họ đã được nghe lời dạy từ ngôn sứ, mang dấu ấn của Lời Ngài như khi Ngài trực tiếp giảng Tin Mừng mà họ vẫn không sám hối. Sám hối không chỉ là thay đổi của cá nhân nhưng mà còn sức mạnh, sự hợp nhất, đời sống đức tin của một thành phố, của một tập thể và của cả cộng đoàn.
Nếu Chúa đến với gia đình, cộng đoàn, cơ quan, giáo xứ hay thành phố của tôi, Chúa sẽ nói gì?

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa, chỉ có lời Chúa là sức mạnh và bí tích Thánh Thể là nguồn sống cho con, xin cho con biết chăm siêng cầu nguyện và khao khát lãnh nhận Thánh Thể Chúa để con được biến đổi hầu con biết cộng tác với mọi người làm cho môi trường con đang sống trở nên sạch đẹp theo tinh thần của Tin Mừng. Amen.

M. Prudence Mai Duyên, SPP




HÃY LẮNG TAI NGHE



LỜI CHÚA: Lc 9, 43b-45

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

SUY NIỆM:

 “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ ngày xưa và cho chúng ta hôm nay hành trình và mục đích của cuộc đời Ngài sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa và để cứu độ trần gian. Chúa Giêsu gọi đó là “chén đắng”, là “phép rửa” mà chính Ngài khắc khoải, xao xuyến.
Nói đến cái chết bản thân Chúa Giêsu cũng xao xuyến sợ hãi. Nhưng Ngài không tránh né hay chạy trốn mà ngài mạnh mẽ báo trước cho các môn đệ và Ngài còn mong được hoàn thành theo Thánh ý Chúa Cha. Nên chính Chúa Giêsu xác định: “ hạt lúa mì gieo xuống đất mà không thối đi… thì sẽ không sinh nhiều bông hạt”
Là môn đệ của Thầy Giêsu, hành trình, chén đắng và phép rửa Thầy chịu thì đó là quỹ đạo mà Thầy dẫn chúng ta bước vào. Thực tế cuộc sống hàng ngày chúng ta đối diện và nhận lấy biết bao ngang trái, khó khăn, đau khổ… nhưng nếu  chúng ta mang tất cả vào trong mình với lòng tin yêu và cậy trông, biến tất cả thành dấu chỉ, của yêu thương và hiện diện thì chắc hẳn việc tiên báo cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu chính là của chúng ta. Chúng ta đang thực sự sống mầu nhiệm đau khổ của Ngài, uống chén đắng với ngài.
Ước chi chúng ta luôn tìm thấy giá trị niềm vui, bình an và hạnh phúc trong đau khổ. Khi đó Thập giá chính là niềm vinh dự của chúng ta.

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu Chúa đã loan báo cho con biết về cuộc khổ nạn của Chúa phải chịu. Xin cho con xác tín rằng hành trình cuộc đời con nằm trong kế hoạch yêu thương của Chúa. Để con xác tín rằng Chúa là con đường cho con bước theo và con sẽ an vui tìm được giá trị hạnh phúc của đời con là chính Chúa. Amen.

M.Prudence Mai Duyên, SPP


Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

KÍNH CÁC THIÊN THẦN


LỜI CHÚA: Ga 1, 47-51
Khi ấy, Ðức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Ðây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Ðức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!”  Ðức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

SUY NIỆM:
Hôm nay, Giáo hội mừng kính Các Tổng lãnh Thiên thần Michael, Gabriel, Raphael. Mừng các đấng vô hình chúng ta hân hoan vui mừng vì Thiên Chúa đã gìn giữ và bảo vệ chúng ta qua sự chăm sóc của các ngài. Danh hiệu của các Ngài cho chúng ta biết  điều đó:

Thiên thần Michael: là thiên thần dũng mãnh. Với khẩu hiệu: “KHÔNG AI BẰNG THIÊN CHÚA”, Ngài đã anh dũng đẩy lui bè lũ Luciphe. Khẩu hiệu này đã trở thành tên của ngài (Michael).
Hôm nay Giáo hội mừng kính Ngài, thiên thần lành trên trời và còn là bổn mạng của Giáo hội dưới thế. Chính Ngài đã nhiều lần hiện xuống trần gian với nhiều nhiệm vụ khác nhau để thực hiện sứ mạng cao cả của Ngài.
Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa. Mỗi khi chúng ta bị thế gian, xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài: Ai bằng Thiên Chúa? Vâng! Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả. Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.
Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành, thánh thiện, mạnh mẽ phép tắc vô cùng. Người nhân từ vô biên, hiểu biết mọi sự, làm được mọi sự. Ngài là cội rễ mọi sự, là cùng đích của mọi loài. Không ai bằng Thiên Chúa.

Thiên thần Gabriel: Tên Grabriel có nghĩa là “SỨC MẠNH CỦA THIÊN CHÚA”.
Chính đức Grabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Daniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.
Chính đức Grabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan. (Lc 1,1-20)
Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Grabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria.
Chúng ta hãy bắt chước Thiên Thần Grabriel luôn đem niềm vui đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Đồng thời, chúng ta cũng luôn giục lòng trông cậy vào Thiên Chúa quyền năng như Mẹ Maria để nhờ  đó chúng ta biết  lệ thuộc vào Thiên Chúa trong mọi sự và tin tưởng vào quyền năng của Chúa hơn.

Thiên thần Raphael: xuất hiện ở trong Cựu Ước qua câu chuyện của cha con Tobia.( Tb 3, 7). Từ đó cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người. Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”.
Chúng ta hãy bắt chước Thiên Thần Raphael luôn sẵn sàng đến và cứu giúp những ai đang gặp khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất, để họ có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mỗi người. Đồng thời, chúng ta hãy giục lòng mến Thiên Chúa hằng yêu thương cứu giúp chúng ta để nhờ đó chúng ta biết sống gắn bó với Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi việc chúng ta làm.


LỜI NGUYỆN:

Lạy Thiên Chúa là nguồn sống và nguồn hanh phúc của con. Con xin cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban các thiên thần đến gìn giữ và bảo vệ con trên hành trình dương thế.
Xin các Thiên Thần luôn nâng đỡ và hưng dẫn con luôn đi trên con đường Thánh Ý Thiên Chúa.Amen.

M. Prudence Mai Duyên, SPP



Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

XIN THEO THẦY


LỜI CHÚA: Lc 9, 57-62

Đang khi Thầy trò Đức Giêsu đi đường thì có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Người trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” Đức Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đức Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.”

SUY NIỆM:

Theo Chúa Giêsu là theo đạo lý của Ngài dạy. Đó là con đường đẫn đến Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thực.
Tin Mừng hôm nay tường thuật cho ta thấy có ba người xin theo Chúa Giêsu.
Người thứ nhất xin theo Thầy bất cứ Thầy đi đâu, nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” cảnh sống bâp bênh, không an toàn, “nay đây mai đó” của người môn đệ Giêsu. Một đời sống không đặt nặng lên giá trị vật chất, nhưng thanh thoát sẵn sàng lên đường, vì đòi hỏi của Tin Mừng.
Người thứ hai được mời gọi: “Anh hãy theo tôi!” nhưng người ấy chưa sẵn sàng xin cho được trở về chôn cất cha trước đã. Chữ hiếu, tình cảm gia đình luôn được coi trọng, nhưng Tin Mừng vẫn luôn là giá trị hàng đầu.
Người thứ ba xin theo Thầy nhưng xin được về từ biệt gia đình, Chúa Giêsu cho hay: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” Gia đình là cái nôi, nơi chúng ta ra đi và nơi chúng ta trở về. Nhưng Tin Mừng vẫn là điều kiện tiên quyết, mang giá trị tuyệt đối. Sống Tin Mừng là thực hành các giá trị trong Đức Ái.
Ba hạng người như ba tấm gương phản chiếu lại hành trình theo Thầy Giêsu của tôi và của bạn. Chúng ta dứt khoát hay theo nửa vời, chúng ta theo mà con luyến tiếc và đặt điều kiện. Chúng ta dứt khoát chọn theo Thầy Giêsu vô điều kiện hay còn còn tiếc nuối và còn muốn một điều họp lý nào đó.
Khi sống cho tình yêu, những điều kiện đòi hỏi hợp lý luôn làm cho chúng ta mất cơ hội và thiếu bình an. Trái lại khi chúng ta đón nhận mọi nghịch lý trong tình yêu thì đều làm cho chúng ta bình an và thanh thoát. Quả thực, tình yêu là hành trang duy nhất trong hành trinh theo thầy Giêsu. Vì trong Ngài chúng ta có tất cả.
Chúng ta hãy lên đường theo tiếng Ngài gọi, hãy nhạy bén và tinh tế vì bên ta luôn đầy dẫy cám dỗ làm chúng ta xao lãng và thờ ơ với lời mời gọi của Ngài.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa gọi con theo Ngài, xin cho con đừng dừng lại trên chính mình hay trên một giá trị nào của vật chất và trần gian. Nhưng cho con biết tìm Thánh Ý Chúa trong cầu nguyện, qua việc suy niệm Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích đặc biệt là bí tích Thánh Thể, để con luôn sẵn sàng bước theo tiếng gọi của Chúa trong đời sống phục vụ tha nhân. Amen.

M. Prudence Mai Duyên, SPP.


Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

NGƯỜI NHẤT QUYẾT LÊN GIÊRUSALEM


LỜI CHÚA: Lc 9, 51-56

Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

SUY NIỆM:

Cách đây không lâu có người hỏi tôi: “ Hôm nay chúc bình an (trong thánh lễ) tại sao bạn không cười ? tôi trả lời: “Miệng tôi không cười nhưng trái tim tôi cười”
Chúng ta thường nhìn vẻ bên ngoài để nhận xét, phê bình rồi kết luận theo cái nhìn chủ quan của mình.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách hành xử của hai người môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan khi thấy dân làng không đón tiếp Thầy Giêsu tức khắc muốn khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ họ ngay.

Phải chăng cách hành xử dùng quyền, dùng lực là cách hành xử thường ngày của tôi và bạn. khi thấy một ai đó có những lời nói hay hành động khác với mình là chúng ta dễ kết luận:  người đó chống đối, gây hấn, làm những điều sai trái… rồi chúng ta dùng quyền, dùng lửa đang cầm trong tay để thiêu đốt người khác qua lời nói đầy lý lẽ và thái độ hung hăng của mình. Chúng ta là người đáng cho Chúa Giêsu quở mắng.

Tại sao cuộc sống của chúng ta chưa thực sự hạnh phúc và bình an? Bởi vì chúng ta còn ngộ nhận nhiều điều, chưa đón nhận, chưa cảm thông, chưa tha thứ…
Hãy như Thầy Giêsu, nhất quyết lên Giêrusalem, nơi mà biết rằng mình sẽ bị loại trừ, bị chống đối, chịu sỉ nhục và bị hành hình…và chịu chết.

Đâu là Giêrusalem của đời tôi, Tôi có sẵn sàng đối diện với Giêrusalem của mình như Thầy Giêsu với tinh thần khiêm nhường, âm thầm đón nhận trong Thánh Ý. Tôi có sẵn sàng chịu nhường bước, chịu lép vế hay thua cuộc… và chấp nhận “đi sang làng khác”.



LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu yếu mến, Chúa dạy con cách sống khiêm nhường, âm thầm và yêu mến không chỉ trong lời nói mà còn cả trong cách ứng xử nữa. Xin cho con biết chiêm ngắm Chúa trong cầu nguyện và để con biết theo Chúa trong cách hành động. Amen.

M. Prudence Mai Duyên, SPP



Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

AI LÀ NGƯỜI LỚN NHẤT


LỜI CHÚA LC 9,46-50

Khi ấy, các môn đệ suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. Ðức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một trẻ nhỏ đặt bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón một em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.” Ông Gioan lên tiếng nói: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không đi theo Thầy cùng với chúng con.” Ðức Giêsu bảo ông: “Ðừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống chúng ta là ủng hộ chúng ta!”

SUY NIỆM:

Sau khi báo cuộc thương khó, các môn đệ chưa hiểu, nên các ông vẫn tìm kiếm chút địa vị khi theo Thầy. Các ông đã hỏi Thầy: “ai là người lớn nhất trong các ông?”
Thầy và trò chưa có được điểm chung. Thầy loan báo cuộc thương khó, Thầy đang muốn hướng dẫn các ông cách thức làm lớn, cách thức một người phục vụ đích thực, hầu như họ không muốn đón nhận và trong nhóm họ vẫn tranh cãi và tranh giành chức quyền: “ai là người lớn nhất trong các ông?”
Câu trả lời của Chúa giành cho họ không chỉ bằng lời giải thích mà còn bằng cả hành động cụ thể: Đặt em bé bên cạnh Ngài và nói: “Hãy tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy”. Chúa Giêsu không dừng lại ở đó mà còn giải thích thêm. Ai tiếp đón em nhỏ này là tiếp đón Thầy. Ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
Làm lớn theo cung cách của Thầy Giêsu: Làm việc nhỏ với tình yêu lớn, làm bất cứ việc gì cũng hãy làm vì yêu.
Tìm địa vị theo kiểu của Thầy Giêsu: Khiêm nhường phục vụ và hiến mạng sống vì yêu.
 Chỉ có phục vụ vì yêu mới làm cho chúng ta nên cao trọng và để có một địa vị lớn nhất, đó là sống mầu nhiệm Vượt Qua của đời mình theo tinh thần Giêsu.


LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, địa vị cao nhất là ngự bên hữu Chúa Cha nhưng Chúa đã trút bỏ để hạ mình xuống chịu chết để cứu độ con. Xin đừng để con luống công vô ích tìm địa vị trên trần gian này, nhưng xin cho con mở lòng ra đón nhận tình yêu của Chúa bằng sự gắn kết với Chúa trong cầu nguyện và phục vụ mọi người trong khiêm hạ và yêu thương để con con được hoàn toàn thuộc về Chúa. Amen.

M. Prudence Mai Duyên. SPP

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

HƯỚNG ĐẾN THA NHÂN


LỜI CHÚA: Lc 16, 19-31

Một hôm, Ðức Giêsu nói với những người Pharisêu rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Ápraham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bấy giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được’. Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Ápraham đáp: ‘Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó’. Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối’. Ông Ápraham đáp: ‘Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu’.”
SUY NIỆM:
Câu chuyện của Bài Tin Mừng như một bức tranh thời sự hôm nay đang xảy ra từng ngày, từng giờ. Điều đó cho chúng ta thấy giàu và nghèo luôn tồn tại và luôn có khoảng cách. Bài Tin Mừng cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Người nghèo luôn bên cạnh chúng ta.
Không phải Chúa Giêsu thương người nghèo, ghét người giàu. Cụ thể trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu thương La-za-rô nghèo khổ, ghét người phú hộ giàu có. Nhưng điều làm cho Chúa Giêsu đau lòng, đó là ông nhà giàu không nhìn thấy người đang ăn xin trước cổng nhà ông  “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”…
Kết cục câu chuyện ng,ười giàu và người nghèo đều chết và giữa họ “có  một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. Khoảng cách đó chính cách sống của ông nhà giàu tạo ra vì ông không quan tâm, không sẻ chia những gì ông có bằng tấm lòng trắc ẩn, vị tha.
Để lấp đầy khoảng cách đó chỉ có một việc làm duy nhất. Sẻ chia những gì mình có với lòng thương xót. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng thương xót”.
Thiên Chúa cũng sẽ hỏi tôi và bạn về việc thực thi lòng thương xót. Vì lòng thương xót chính là Thiên Chúa, lòng thương xót phải trở nên bản chất của môn đệ thuộc về Thầy Giêsu. Chúng ta phải có lòng thương xót. Lòng thương xót không có chọn lựa nhưng là hành động phi thường của trái tim. Tuy việc làm nhỏ bé tầm thường nhưng làm với trái tim rộng mở. Tuy việc làm không tên nhưng đặt vào đó vị ngọt của yêu thương, của hy sinh, dấn thân và tự nguyện.
Chính vì thế, năm lòng thương xót mở ra cho chúng ta và vì chúng ta, là cách thức Giáo hội muốn chúng ta được đụng chạm đến trái tim của Thiên Chúa qua mọi người nhất là những người đang cần đến lòng thương xót của tôi và của bạn.
Sống lòng thương xót không phải là chạy theo công việc để làm điều này điều kia, nhưng quan trọng hơn là minh chứng lòng thương xót qua cách sống và hiện diện của chúng ta, qua cử chỉ và lời nói: Hãy luôn tự vấn mình: lời tôi nói có làm tổn thương ai đó? Cử chỉ và thái độ của tôi có loại trừ ai không?





CẦU NGUYỆN: 

Lạy Thiên Chúa Đấng đầy lòng thương xót, xin cho con luôn nhận ra tình yêu thương của Chúa ban cho con cách nhưng không để con sắn sàng sẻ chia tình yêu ấy cho mọi người nhất là những người nghèo khổ. Amen.


M. Prudence Mai Duyên, SPP

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

CON NGƯỜI SẼ BỊ NỘP


LỜI CHÚA: Lc 9, 43b-45

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

SUY NIỆM:

 “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Chúa Giêsu tiên báo cho các môn đệ ngày xưa và cho chúng ta hôm nay hành trình và mục đích của cuộc đời Ngài sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa và để cứu độ trần gian. Chúa Giêsu gọi đó là “chén đắng”, là “phép rửa” mà chính Ngài khắc khoải, xao xuyến.

Nói đến cái chết bản thân Chúa Giêsu cũng xao xuyến sợ hãi. Nhưng Ngài không tránh né hay chạy trốn mà ngài mạnh mẽ báo trước cho các môn đệ. Hơn nữa,  Ngài còn mong được hoàn thành theo Thánh ý Chúa Cha. Nên chính Chúa Giêsu xác định: “ hạt lúa mì gieo xuống đất mà không thối đi… thì sẽ không sinh nhiều bông hạt”.

Là môn đệ của Thầy Giêsu, hành trình, chén đắng và phép rửa Thầy chịu thì đó là quỹ đạo mà Thầy dẫn chúng ta bước vào. Thực tế cuộc sống hàng ngày chúng ta đối diện và nhận lấy biết bao ngang trái, khó khăn, đau khổ… nhưng nếu  chúng ta mang tất cả vào trong mình với lòng tin yêu và cậy trông, biến tất cả thành dấu chỉ, của yêu thương và hiện diện thì chắc hẳn việc tiên báo cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu chính là của chúng ta. Chúng ta đang thực sự sống mầu nhiệm đau khổ của Ngài, uống chén đắng với ngài.
Ước chi chúng ta luôn tìm thấy giá trị niềm vui, bình an và hạnh phúc trong đau khổ. Khi đó Thập giá chính là niềm vinh dự của chúng ta.


LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu Chúa đã loan báo cho con biết về cuộc khổ nạn của Chúa phải chịu. Xin cho con xác tín rằng hành trình cuộc đời con nằm trong kế hoạch yêu thương của Chúa. Để con xác tín rằng Chúa là con đường cho con bước theo và con sẽ an vui tìm được giá trị hạnh phúc của đời con là chính Chúa. Amen.

M.Prudence Mai Duyên, SPP


LẮNG NGHE VÀ ĐÁP TRẢ



LỜI CHÚA: Lc 9, 18-22
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại"


SUY NIỆM:
 Đoạn tin mừng này có thể bạn và tôi đã đọc và nghe nhiều lần và cũng đã chia sẻ nhiều lần. Hôm nay tôi xin chia sẻ một chút về điều mà chúng ta phải thưc hiện  mỗi ngày nhưng chưa được tinh tế và lắng đọng, đó là tâm hồn biết lắng nghe người khác. Các tông đồ đã lắng nghe dân chúng nói, nghe Chúa Giêsu hỏi và đỉnh cao mà Phêrô đại diện trả lời Chúa là ông thực sự nghe được Thần Khí nói trong ông về Chúa Giêsu “ Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Chúng ta đang bị tiếng ồn ào của cuộc sống làm cho bạn và tôi khó có thể nghe người khác và nhất là khó nghe được tiếng Chúa nói trong lương tâm của mình. Mong rằng một chút nhỏ để gợi lại trong bạn và tôi ý thức hơn về thái độ lắng nghe của mình trước tiếng Chúa thi thố và tha nhân kêu van mong chúng ta đáp trả lại.


CẦU NGUYỆN:  Lạy Chúa! Con mong có thể đủ can đảm để sống thinh lặng trong giây lát, giữa một thế giới quá ồn ào của rất nhiều tiếng động, chúng cuốn hút con vào trong đó. Mong rằng lúc thinh lặng chút xíu ấy Chúa cho con nghe được ý muốn của Chúa trên đời con và cho con một trái tim nhanh nhẹn để đáp lại tiếng Chúa như các tông đồ xưa đã đáp lại lời Ngài. Amen.

Nt. Marie Angeline Kim Oanh, SPP

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

HÃY THEO TÔI



LỜI CHÚA: Mt (9,9-13)

Khi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêô đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe như thế, Ðức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

SUY NIỆM:
“Sức mạnh của câu nói là rất khinh khủng. Chỉ một câu bình phẩm thôi, cũng có thể hủy hoại cả cuộc đời một con người, làm bạn vui cả ngày hoặc làm thay đổi tâm trạng hay cuộc đời bạn. Có những câu nói truyền cho ta sức mạnh để tiến lên” (Sưu tầm).

Lời nói của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã thu phục và thay đổi cuộc đời Mát-thêu. Ông là người thu thuế, người giàu có.  “Khi Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy ông  đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy và đi theo Người” (Mt 9, 9) Lời mời gọi của Đức Giêsu đã làm cho ông dám dứt bỏ sở thuế của mình –theo Thầy Giêsu và thay đổi cuộc đời.
Như Mát-thêu, con cũng có “sở thuế” của mình. Đó là những ý riêng, tiền tài, danh vọng… nơi mà làm cho con vui thích và thõa mãn các nhu cầu vật chất. Con có mạnh dạn từ bỏ để được đụng chạm đến mất mát, trống rỗng và thua cuộc… để ở đó Chúa là Đấng Tất Cả sẽ lấp đầy cho tâm hồn con.
Câu chuyện của Mát-thêu ngày xưa nhưng nay là câu chuyện của đời con. Rất nhiều lần Chúa đã mời gọi con theo Ngài, nhưng con đã né tránh vì con ngại phải mất mát, ngại cho đi và nhất là ngại từ bỏ… nên con chưa thực sự được biến đổi. ước mong Lời Chúa luôn là nguồn sống, nguồn hạnh phúc  để con dám đánh đổi cuộc đời mình như Thánh Mát-thêu.

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu là nguồn sống của con. Xin Chúa ban cho con sức mạnh của tình yêu để con thực sự từ bỏ tất cả hầu con chỉ biết một điều là được chính Đức Giêsu Kitô như Thánh Phao lô cảm nhận và xác tín: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô” (Pl 3,8).Amen.

Nt. Maria Trần Thị Thanh Vân, SPP


Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

MẸ VÀ ANH EM ÐỨC GIÊSU



LỜI CHÚA:  Lc 8, 19-21

Khi ấy, mẹ và anh em Ðức Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. Họ báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”

SUY NIỆM:

Gia đinh là nơi mỗi người chúng ta được sinh ra, lớn lên và được giáo dục về đời sống đạo cũng như phần đời. Gia đình là nơi hình thành phẩm tính và nhân cách của con người.
Với người công giáo - là một kito hữu, chúng ta tự hào chúng ta không chỉ thuộc về gia đình huyết thống có cha có mẹ, có ông bà tổ tiên mà còn thuộc về gia đình của Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội. Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó qua câu cuối của đoạn Tin Mừng: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Như Mẹ Maria, trước khi đón Ngôi Hai Thiên Chúa vào cung lòng của mình thì Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đề cao Mẹ Maria và khẳng định: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”.
Lời Chúa hôm nay thôi thúc tôi và bạn, chúng ta có là thành viên của gia đình Thiên Chúa qua việc lắng nghe, tuân giữ và thực hành Lời của Thiên Chúa, bằng một đời sống trụng thực, yêu thương và hiện diện với Thiên Chúa qua tha nhân. Chính các Thánh Tử đạo Giáo hội mừng kính hôm nay đã làm chứng cho chân lý này. Các Ngài đã dùng chính của sống mình để nói lên rằng: Các ngài là thành viên của gia đình Thiên Chúa, là mẹ, là anh chị em của Ngài.


LỜI NGUYỆN:

Lạy Mẹ Mrria yêu mến, suốt đời của Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời của Thiên Chúa. Mẹ đã thuộc về gia đình của Ngài, Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ và các thánh An-rê Kim và Phao-lô Chung cùng các bạn tử đạo hôm nay. Xin ban cho con lòng trung thành và yêu mến để con biết sống giá trị của Tin Mừng hầu con cũng thuộc về gia đình của Ngài. Amen.
M. Prudence, SPP



Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

NHẬN LÃNH VÀ CHO ĐI



LỜI CHÚA: (Lc 8,16-18)        
"Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được
cho thêm; còn ai không có , thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị
lấy mất."

SUY NIỆM:
 Lời Chúa hôm nay như muốn thúc bách mỗi người chúng ta cách thức nghe và sống Lời cuae Ngài. Bởi lẽ mõi ngày chúng ta vẫn nghe Lời Chúa, suy niêm Lời Chúa, nhưng thử hỏi chúng ta đã nghe với thái độ nào, và sau khi được Lời Chúa tác động chúng ta có rao truyền Lời Chúa cho anh em không? Đây là một câu hỏi mà chúng ta chỉ trả lời được khi chúng ta biết dùng chính đời sống của chúng ta để minh chứng cho Lời Chúa và nói về Chúa cho người khác. Đó là cách chúng ta thắp sáng Lời Chúa và đặt trên giá.

Trong cuộc sống tôi cũng từng nhận ra rằng mọi sự tôi có là do Thiên Chúa ban tặng, chứ bản thân tôi nào có làm được gì. Bởi đó, tôi đã phục vụ Chúa hết mình vì lòng yêu mến Chúa. Chính khi tôi cho đi như thế, tôi đã nhận lại được gấp trăm từ Chúa. Chúa cho tôi sức khỏe, tài năng, niềm vui để tôi tiếp tục hăng say trong việc phục vụ. Mỗi ngày nhìn lại, tôi vẫn thầm tạ ơn Chúa về điều đó. Lạy Chúa, với Lời Chúa dạy hôm nay, xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta luôn ý thức về thái độ lắng nghe và rao truyền Lời Chúa. Nhưng bằng chứng sống động nhất, không gì khác chính là cuộc sống hằng ngày của chúng ta.



LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”. Xin cho con luôn biết sống và thực thi Lời Chúa, hầu cuộc đời con được Chúa biến đổi để con sẵn sàng dấn thân phucj vụ trong yêu mến. Amen.

Nt. Têrêsa Mộng Tú, SPP